Thách thức nguồn cung đối với ngành công nghiệp khí Việt Nam

(PLVN) - Sản lượng các mỏ khí trong nước đang suy giảm nhanh trong khi nguồn mới bổ sung chưa được kịp thời hoặc sản lượng nhỏ, đồng thời hệ thống khí hiện tại qua nhiều năm sử dụng cần bảo dưỡng thường xuyên, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng sửa chữa đang ngày một tăng… là những khó khăn mà ngành này đang đối mặt.
Hệ thống kho cảng của PV GAS
Hệ thống kho cảng của PV GAS

Đóng góp lớn

TCty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp (DN) trụ cột trong ngành công nghiệp khí đất nước. Ngành này thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, kịp thời cung cấp nguyên liệu để sản xuất gas, điện, phân…  phục vụ nền kinh tế. 

PV GAS đứng trong top đầu DN của PVN có tỷ suất lợi nhuận hợp nhất sau thuế/vốn chủ hữu cao, bình quân năm 2018 đạt 24% (năm 2017 là 18,9%). Cụ thể, năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất của PV GAS đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, vượt 28% so với kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, vượt 66% so với kế hoạch năm.

Có được những thành tích như trên, những năm qua, hệ thống đường ống thu gom dẫn khí của PV GAS được vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ; công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, đột xuất và kiểm định hiệu chuẩn được triển khai theo đúng kế hoạch, quy trình. Những công trình khí được vận hành không những sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các dự án khác trong khu vực và cả nước.

Năm 2018, từ các hệ thống đường ống dẫn khí, PV GAS đã cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước 9,71 tỷ m3 khí khô, 85,8 nghìn tấn condensate và 261 nghìn tấn LPG. Đánh giá về PV GAS, lãnh đạo PVN cho biết, đơn vị này đóng vai trò tiên phong, chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam. Những năm qua, PV GAS đã hoạt động hiệu quả, liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, duy trì năng lực phát triển, khẳng định vai trò là DN hàng đầu về quy mô sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trong lĩnh vực khí, phát triển công nghiệp hóa dầu từ khí và sản phẩm khí, hoạt động cả ở trong và ngoài nước; cung cấp tối đa khí, sản phẩm khí cho các nhà máy điện, đạm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Ngoài những con số về doanh thu, lợi nhuận “khủng”, các chỉ số tài chính khác của PV GAS cũng rất tốt. Cụ thể, hệ số bảo toàn vốn của Công ty mẹ - PV GAS tại thời điểm 31/12/2018 đạt 1,09 lần (vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2018 là 42,7 nghìn tỷ đồng/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 1/1/2018 là 39,3 nghìn tỷ đồng), đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2018 của Công ty mẹ - PV GAS là 0,34 lần.

Nhận diện khó khăn

Đến nay, PV GAS đã tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh với 4 hệ thống khí: Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau và Hàm Rồng - Thái Bình, cùng hệ thống sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bao gồm: Phân phối khí thấp áp, CNG, LPG cho các khách hàng công nghiệp, khu đô thị, giao thông vận tải; hệ thống sản xuất và bọc ống dầu khí.

Theo PV GAS, bước sang năm 2019, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra nhưng cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo đó, sản lượng các mỏ khí trong nước đang suy giảm nhanh, mỏ/nguồn mới bổ sung chưa được kịp thời hoặc sản lượng nhỏ, đồng thời hệ thống khí hiện tại qua nhiều năm sử dụng cần bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên hơn, chi phí vận hành, bảo dưỡng sửa chữa ngày càng tăng. Các nguồn khí mới cũng như các dự án khí mới có giá thành cao, rủi ro lớn, mất nhiều thời gian để thuyết phục cấp có thẩm quyền…

Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn nhấn mạnh, thị trường luôn biến động không ngừng, sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh, nhiều dự án lớn trong giai đoạn đầu tư xây dựng, những đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng… cũng là những khó khăn mà PV GAS cần vượt qua, vươn lên: “Ban Lãnh đạo PV GAS đã đề ra những giải pháp, kế hoạch chủ động ứng phó trên tất cả các mặt hoạt động để vượt qua những khó khăn”, đại diện PV GAS cho biết.

Đọc thêm