Mỗi năm thi hành trên 15 ngàn vụ việc
Theo Cục THADS Lâm Đồng, trong những năm qua được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, hệ thống cơ quan THADS tỉnh ngày càng được kiện toàn, củng cố về tổ chức, được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc.
Về phía địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên quan tâm đến hoạt động nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng trên địa bàn tỉnh như: giới thiệu nguồn nhân sự có chất lượng từ nguồn của tỉnh, của huyện vào quy hoạch hoặc kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan THADS; phối hợp với cơ quan THADS trong việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Chi cục…Qua đó, tạo điều kiện cho hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cục THADS Lâm Đồng sơ kết công tác THADS, theo dõi THAHC 6 tháng đầu năm 2021. |
Bên cạnh đó công tác THADS trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, địa bàn rộng, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó gồm nhiều dân tộc sinh sống, tỷ lệ dân nhập cư cao… nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là nơi du lịch nghỉ dưỡng.
Đi đôi với việc phát triển về kinh tế, lượng án phải thi hành hàng năm ngày càng tăng (bình quân mỗi năm thi hành trên 15 ngàn vụ việc). Trong đó có nhiều vụ việc có giá trị lớn, án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Theo đó nhiệm vụ, khối lượng công việc của các cơ quan THADS tương đối nhiều, nặng nề, tính chất công việc khó khăn, phức tạp hơn trước trong khi biên chế hàng năm giảm. Mặt khác, trong điều kiện những năm vừa qua có sự thay đổi cơ bản trong quy định của pháp luật đối với công tác thi hành án, đó là sự thay đổi về sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2008, kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành.
Quá trình chuyển tiếp đó, các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ thi hành án đến toàn thể công chức trong ngành chưa được thường xuyên tổ chức, nên địa phương còn gặp phải khó khăn trong việc thống nhất áp dụng quy định của pháp luật. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành, đội ngũ công chức các cơ quan THADS, nhất là các Chấp hành viên áp lực trong công việc, một số trường hợp xin thôi giữ Chấp hành viên chuyển sang làm công tác khác…
Mặt khác, những năm gần đây, tổng số án giải quyết năm sau cao hơn năm trước, tăng cả về việc và về tiền (tăng 4,36% về việc và tăng 12,53% về tiền), bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết trên 200 việc, nhưng các cơ quan THADS tỉnh Lâm Đồng đã luôn cố gắng nỗ lực thi hành xong cơ bản đạt chỉ tiêu được giao hàng năm.
Đạt được kết quả như trên là do lãnh đạo Cục luôn bám sát các chỉ đạo của Bộ, ngành, đã tích cực chỉ đạo Hệ thống THADS tỉnh triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, sâu sát, kịp thời các mặt công tác.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Để khắc phục các tồn tại, đồng thời phát huy hiệu quả THADS thời gian tới, Cục THADS Lâm Đồng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cụ thể, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hệ thống tổ chức THADS. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm “hướng về cơ sở”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ cũng là giải pháp Cục THADS Lâm Đồng sẽ chú trọng. Qua đó tạo sự công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cục cũng đã quán triệt các trưởng phòng chuyên môn, Chi cục trưởng thường xuyên kiểm soát, nắm bắt tiến độ giải quyết án của các Chấp hành viên, đặc biệt là những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Cục THADS tỉnh Lâm Đồng biểu dương điển hình tiên tiến 5 năm 2015-2020. |
Đặc biệt chú trọng tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành; động viên, khen thưởng đối với các đơn vị, Chấp hành viên giải quyết nhanh, hiệu quả đối với các vụ việc phức tạp, có giá trị thi hành lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Đồng thời xử lý nghiêm đối với những đơn vị, Chấp hành viên còn chậm trễ trong giải quyết án hoặc vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là trong khâu kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp về tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tổ chức cán bộ, trong đó có việc kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các đơn vị, nhất là những địa bàn, đơn vị còn yếu kém; triển khai thực hiện có hiệu quả việc điều động, luân chuyển, biệt phái công chức; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hạn chế đến mức thấp nhất số cán bộ, công chức vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Tăng cường cử cán bộ công chức theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nhất là cho đội ngũ Chấp hành viên, Thư ký thi hành án.
Bên cạnh đó là điều hành dự toán thu chi ngân sách hàng năm được phân bổ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong chi thường xuyên và gắn chặt công tác dự toán chi với nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Yêu cầu các đơn vị lập dự toán chi thường xuyên theo đúng lĩnh vực, đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm.
Đông thời tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, tích cực giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo kịp thời, đúng quy định; trong tổ chức thi hành án, chú trọng công tác dân vận, vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, về việc, tổng số phải thi hành 11.066 việc (tăng 132 việc so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số có điều kiện thi hành 8.242 việc (chiếm 74,48%), số chưa có điều kiện 2.700 việc (chiếm 24,4%) trong tổng số phải thi hành, đã thi hành xong 4.064/8.242 việc trên số có điều kiện, đạt tỷ lệ 49,31% (tăng 1,31% so với cùng kỳ năm 2020). So với chỉ tiêu của Tổng cục giao còn thiếu 32,69%. Số việc chuyển kỳ sau 7.002 việc.
Về tiền, tổng số phải thi hành 2.774 tỷ 698 triệu đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 1.607 tỷ 810 triệu đồng (chiếm 57,94%), số chưa có điều kiện 1.080 tỷ 837 triệu đồng (chiếm 38,91%) trong tổng số phải thi hành. Đã thi hành xong 328 tỷ 444 triệu đồng/1.607 tỷ 810 triệu đồng trên số có điều kiện (tăng 93 tỷ 789 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020), đạt tỷ lệ 20,43%, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2020. So với chỉ tiêu của Tổng cục giao còn thiếu 19,67%. Số tiền chuyển kỳ sau 2.419 tỷ 101 triệu đồng.