Từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật PBGDPL, công tác PBGDPL ở Thái Bình được chú trọng; nhận thức của các cấp, ngành được nâng lên. Tỉnh ủy Thái Bình coi đây là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri thực hiện, ban hành Chỉ thị tăng cường công tác PBGDPL, UBND tỉnh ban hành các chương trình PBGDPL theo từng giai đoạn. Hội đồng phối hợp PBGDPL được thành lập từ năm 1998 thường xuyên được kiện toàn, phát huy vai trò kết nối giữa các thành viên, cơ quan tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng đã chủ động tham mưu triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn.
Sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL được quan tâm hơn. Hiện, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm, bố trí kinh phí, có mục chi riêng cho công tác PBGDPL cấp tỉnh. Một số ngành như Công an, Y tế, Tài nguyên môi trường, Thuế đã thông qua kinh phí các đề án, dự án đầu tư cho công tác tuyên truyền pháp luật.
Đặc biệt, theo Tỉnh ủy Thái Bình, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đề ra, cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của từng nhóm đối tượng, phục vụ nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ; hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới.
Huyện Quỳnh Phụ thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Bình |
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hình thức phát hành tài liệu được tăng cường. Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 3.340 cuốn Đề cương pháp luật, 5.900 sách nghiệp vụ về hoà giải, 12.800 cuốn Bản tin Tư pháp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành 65.000 ấn phẩm truyền thống về phòng, chống ma tuý; biên soạn và phát hành 20.000 tờ gấp tuyên truyền những quy định cơ bản về an toàn lao động, về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; 2100 băng casset tuyên truyền pháp luật về giao thông, cấp cho đài truyền thanh xã, phường, thị trấn làm tài liệu tuyên truyền.
Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được mở rộng, phát triển, hỗ trợ đắc lực cho tổ chức, công dân. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp từ năm 2004 đến nay đã thực hiện 942 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn cho 141.000 lượt người, trợ giúp pháp lý 15.690 vụ việc.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường phổ thông được quan tâm hơn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.061 tổ hoà giải với 14.773 hoà giải viên. Thông qua hoà giải, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật.
Toàn tỉnh xây dựng, duy trì hoạt động của 750 mô hình cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, trường học, dòng họ không có ma tuý; hàng trăm câu lạc bộ phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội, 625 tổ tự quản an toàn giao thông, 120 tổ tuần tra kiểm soát ngăn chặn hoạt động ma tuý tại các xã, phường, thị trấn.Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai có hiệu quả. Hiện nay toàn tỉnh có 113 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 143 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.082 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 2.061 tổ hoà giải với 14.773 hoà giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 82%.
Tỉnh ủy Thái Bình cũng nhìn nhận những hạn chế sau thời gian thực hiện Chỉ thị 32, Luật PBGDPL như công tác PBGDPL ở một số ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, dàn trải, chưa đảm bảo chiều sâu, một số hình thức có ưu thế chưa phát huy tối đa, ứng dụng công nghệ thông tin vào PBGDPL còn hạn chế...Từ đó Tỉnh ủy Thái Bình đưa ra những bài học kinh nghiệm, trong đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền là yếu tố quyết định thành công của công tác PBGPL. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cơ quan tư pháp, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác pháp chế ở các sở, ban ngành, đoàn thể. Công tác PBGDPL phải được thực hiện thường xuyên liên tục, có tính sáng tạo. Ngoài ra, yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL là quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL...