Thái Bình sắp thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch qua phần mềm Hộ tịch dùng chung

(PLVN) - Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Đinh Trọng Xá cho biết, Sở đã chỉ đạo và hướng dẫn phòng Tư pháp các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc đăng ký và quản lý hộ tịch qua phần mềm Hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, đảm bảo triển khai toàn bộ từ Quý II/2019.
Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Đinh Trọng Xá phát biểu tại Hội nghị
Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Đinh Trọng Xá phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo kết quả công tác Tư pháp quý I/2019, về công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện việc ghi chú thông tin thôi quốc tịch Việt Nam cho 17 trường hợp vào Sổ đăng ký khai sinh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam. Chỉ đạo phòng Tư pháp các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện việc tập huấn sử dụng Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cho cán bộ Tư pháp của Phòng, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã, đồng thời áp dụng Hệ thống đăng ký khai sinh điện tử, lấy mã số định danh cá nhân và các việc hộ tịch khác bằng phần mềm thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh từ 01/01/2019 (Đến hết quý I/2019, đã có 6/8 huyện triển khai và thực hiện tốt phần mềm dùng chung).

Trong Quý I, Sở Tư pháp đã cấp bản sao trích lục hộ tịch cho 03 trường hợp; đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài cho 01 trường hợp. UBND cấp huyện đã thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 34 trường hợp; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 03 trường hợp; đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài cho 01 trường hợp; đăng ký nhận cha, con có yếu tố nước ngoài cho 02 trường hợp; ghi vào sổ hộ tịch các trường hợp đăng ký hộ tịch tại nước ngoài cho 02 trường hợp; thay đổi cải chính hộ tịch cho 161 trường hợp; ghi chú kết hôn cho 03 trường hợp; ghi chú ly hôn cho 01 trường hợp, cấp trích lục hộ tịch cho 158 trường hợp.

Về công tác lý lịch tư pháp, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, trong đó có việc tăng cường công tác cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án vào Phần mềm “Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung” của Bộ Tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Đề nghị phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gửi các cơ quan THADS, cơ quan THAHS, TAND, Viện kiểm sát và UBND cấp xã theo quy định.

Phối hợp với Công an tỉnh tra cứu, cấp 2.485 Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, phân loại, xử lý thông tin và lập lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vào phần mềm “Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung” của Bộ Tư pháp là 1.611 thông tin lý lịch tư pháp.

Nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình vì có thành tích xuất sắc trong công tác Tư pháp
Nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình vì có thành tích xuất sắc trong công tác Tư pháp

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, trong đó có nhiệm vụ “Cập nhật cơ sở dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc từ năm 1987 cho đến khi ứng dụng phần mềm đăng ký hộ tịch” theo Đề án “cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Sở Tư pháp đã chỉ đạo và hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc đăng ký và quản lý hộ tịch qua phần mềm Hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, đảm bảo triển khai toàn bộ từ Quý II/2019.

Phần mềm đăng ký quản lý Hộ tịch dùng chung giúp cơ quan đăng ký hộ tịch có sự kết nối chia sẻ dữ liệu đa chiều, bảo đảm sự quản lý thống nhất đối với dữ liệu được đăng ký trong hệ thống. Phần mềm được đưa vào sử dụng không chỉ cung cấp, khai thác thông tin mà còn kiểm tra, tránh trùng lặp sự kiện hộ tịch, loại trừ nhầm lẫn hoặc cố ý lợi dụng sơ hở để một sự kiện hộ tịch được đăng ký hơn 1 lần; giúp các cơ quan quản lý theo dõi, nắm bắt, kiểm tra được tính chính xác, kịp thời trong tác nghiệp đăng ký hộ tịch. Giúp cán bộ Tư pháp giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác hơn, có khả năng kết nối để cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.

Đọc thêm