Người đã trao chìa khóa tòa thành cho Vua Lý Công Uẩn
Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng - nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lưu Cơ cùng quê, là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư thuộc Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay, Lưu Cơ khi mới ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại - Bắc Ninh.
Năm Mậu Thìn 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại thắng Minh Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền làm Ngoại giáp.
Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013-2023), ngày 15/5, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”. Hội thảo được chủ trì bởi nhiều chuyên gia, nhà khoa học: GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á; PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam.
“Làm rõ thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ không chỉ vì vinh quang của một cá nhân hay gia tộc mà là sự tôn trọng lịch sử, sự tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đối với đất nước,” nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Để làm rõ thân thế và sự nghiệp Thái sư Lưu Cơ, giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trích dẫn từ “Đại Việt sử ký toàn thư,” khẳng định đây là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân. Lưu Cơ là một trong tứ trụ triều đình (Tể tướng Nguyễn Bặc, Thái sư Lưu Cơ, Ngoại giáp Đinh Điền và Thượng thư Trịnh Tú) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thống nhất đất nước, phò tá triều đình và ổn định xã hội.
Theo “Đại Việt sử lược” thì Thái sư Lưu Cơ kiêm nhiệm chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư, chức quan đầu triều trông coi hình án, tư pháp, hình ngục. Ông cai quản “Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu” (đồng bằng Bắc Bộ) liên tục 40 năm (971-1010), xuyên suốt 3 triều đại phong kiến nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt. Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cũng khẳng định: “Như vậy, sau hơn 40 năm trông coi, tu tạo thành Đại La, chính Lưu Cơ là người đã trao chìa khóa và “sổ đỏ” tòa thành này cho Vua Lý Công Uẩn.”
Một điều rất có ý nghĩa nữa của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ với Hà Nội ngày nay. Đó là, ông đã cho xây dựng, cải tạo lại thành Đại La vững mạnh để Lý Công Uẩn trên đường về thăm quê cha đất tổ ở trang Cổ Pháp, tận mắt chứng kiến toà thành Đại La khi đó đã thúc đẩy Hoàng đế quyết định tự tay viết ra bức Chiếu Dời đô nổi tiếng ngay khi về đến Hoa Lư. Chắc hẳn, quan dân Đô hộ phủ khi đó đã được truyền đạt ý chỉ của Lý Công Uẩn và gấp rút thực hiện cơ sở vật chất trong tòa thành cho cuộc dời đô chỉ diễn ra sau đó chừng hơn 100 ngày.
Trước đó, thành Đại La vốn có hướng trục chính, dinh thự và công sở hướng về phương Bắc. Khi cải tạo, Thái sư Lưu Cơ đã cho quay tất cả về hướng Nam, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt.
“Trong quá trình tu sửa, ông đã cho cổng thành quay về hướng Nam, hướng về kinh đô Hoa Lư, thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm. Đây là biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc,” giáo sư Vũ Minh Giang nhận xét.
Nghiên cứu về đời sống tinh thần chỉ rõ trong ông thấm đậm những tư tưởng đạo lý tích cực nhất của cả Phật, Đạo và Nho giáo đương thời. Thần tích đình làng Đại Từ để lại hai hình ảnh cao đẹp trong di chúc của Lưu Cơ: “Chỉ xin được cúng chay với hai món ưa thích là đậu phụ và rau cần; Xin được dùng đất cấp phong và đất công chia đều cho dân làng như tiền thân của chính sách “quân điền” thời Hậu Lê…”.
Đề tài khoa học chuyên đề nhằm đánh giá vai trò lịch sử của Lưu Cơ được Hội Sử học Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam chính thức khởi động từ hơn 10 năm trước. Sau các cuộc điền dã, tra tìm, nhiều tư liệu mới liên quan đến Lưu Cơ đã được phát hiện.
Từ năm 2019 một kế hoạch đã ra đời nhằm tiến đến một Hội thảo khoa học chuyên đề về Lưu Cơ. Đến nay, tại nơi ông đã từng hiện diện trong 40 năm (971 - 1010), với gần 20 báo cáo khoa học, hội thảo đã đánh giá và vinh tôn những giá trị lịch sử mà Thái sư Lưu Cơ đã làm cho các triều đình Đinh, Tiền Lê và Lý.
Thái sư Lưu Cơ cần được được tôn vinh tại Hoàng thành Thăng Long
Do những biến thiên của lịch sử mà những tư liệu liên quan đến Thái sư đã bị thất lạc khiến cho hậu thế ít người biết đến ông. GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “Lưu Cơ là một khai quốc công thần của triều Đinh, nhưng còn ít được biết đến, không chỉ trong nhận thức đại chúng, mà ngay cả đối với giới sử học. Một trong những lý do quan trọng là triều đại mà ông có nhiều đóng góp, trong một thời gian dài, chưa được nghiên cứu đầy đủ, vị trí của nước Đại Cồ Việt cũng chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng. Mặt khác, tư liệu về vị Thái sư họ Lưu cũng như toàn bộ giai đoạn lịch sử này còn lại khá hiếm hoi nên việc nghiên cứu để có được nhận thức sâu sắc về vai trò của ông là điều không đơn giản”.
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở đình Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên. |
“Công lao, đức độ của Thái sư Lưu Cơ đã được nhân dân ở những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả… Với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí được tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội…”, GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định.
TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam bày tỏ, Thái sư Lưu Cơ và nhiều danh nhân dòng họ Lưu của Ngài xứng đáng được Nhà nước có những giải pháp, dự án ghi nhận công trạng và những giá trị tinh thần, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, như đặt tên đường, công trình tôn vinh và mang tên tại Hà Nội và các địa phương có dấu tích, chiến công của các Ngài.
Đồng tình với TS Lưu Văn Thành, TS. Nguyễn Việt phát biểu: “Với cuộc Hội thảo đầu tiên dành riêng về ông, các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ở các cơ quan nghiên cứu của Trung ương và một số địa phương bước đầu làm sáng tỏ những đóng góp của Thái sư Lưu Cơ với đất nước. “Trên cơ sở nhận thức giá trị những đóng góp lịch sử của Đô hộ Phủ Thái sư Lưu Cơ, một số báo cáo khoa học đã mạnh dạn đề xuất những hành động cụ thể để ghi nhận, suy tôn công lao của Ngài, như phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ và liên quan, đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông”.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Dơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội cho rằng những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ sẽ đóng góp, bổ sung cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, Di tích Hoàng thành Thăng Long và trong tương lai là Khu trưng bày giới thiệu về Hoàng cung Thăng Long tại Thủ đô Hà Nội. Với những đóng góp của mình trong sự nghiệp thống nhất đất nước và xây dựng quốc gia độc lập ở thế kỷ X, trong đó có 40 năm cai quản thành Đại La, chuẩn bị mọi tiền đề cho công cuộc dời đô ra Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ, Thái sư Lưu Cơ rất xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội.