Thăm Chư Tan Kra, tri ân “Trung đội mũ sắt” ngoan cường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những chiến sĩ ngã xuống tại Chư Tan Kra là những chàng trai mười tám, đôi mươi, đều đến từ Thủ đô. Họ đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Khu di tích lịch sử điểm cao 995 mang dáng dấp ngôi chùa Bắc Bộ.
Khu di tích lịch sử điểm cao 995 mang dáng dấp ngôi chùa Bắc Bộ.

Những người lính Thủ đô anh dũng

Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra nằm trên quả đồi hình yên ngựa thuộc địa phận thôn 2 và thôn 3, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), cách trung tâm thành phố Kon Tum 35km về phía Tây Bắc. Khu tưởng niệm mang dáng dấp một ngôi đình làng Bắc Bộ, lưng tựa vào núi Chư Tan Kra, mặt hướng về phía Bắc và Thủ đô Hà Nội - quê hương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ngày 26/3/1968.

Khu di tích lịch sử Điểm cao 995 – Chư Tan Kra uy nghiêm với hình ảnh ngọn núi chót vót, Chư Tan Kra biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường song cũng rất đỗi hiền hòa, nhân hậu của đất và người Kon Tum.

Những đoàn người ở các tỉnh về thăm Khu di tích tưởng niệm, cầu siêu, tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Trong chuyến đi lần này không chỉ có người dân địa phương mà còn rất nhiều đồng đội, thân nhân, bạn bè của những liệt sĩ cũng từ Hà Nội đến đây để thắp nén nhang tri ân. Nhiều cựu chiến binh không giấu được cảm xúc, tuôn dòng nước mắt.

Trong giây phút mặc niệm thiêng liêng, mọi người thành kính cúi đầu, tưởng nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ nói chung và hơn 200 liệt sĩ đã hy sinh bản thân, tuổi thanh xuân tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước.

Cô Lê Thị Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (huyện Sa Thầy) xúc động: “Tây Nguyên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên ngay từ khi mới xâm lược, đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt tại đây, trong đó “mắt xích” quan trọng là Điểm cao 995 - núi Chư Tan Kra.

Để tăng cường cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn 209 đang huấn luyện ở Hòa Bình được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Đây là đơn vị bộ binh đầu tiên được trang bị chính quy hiện đại, bao gồm súng AK báng gấp, mặt nạ phòng độc, súng phun lửa, B40, B41, đại liên K6... và mũ sắt của Liên Xô thay cho mũ tai bèo, mũ cối (vì thế được gọi là “Trung đoàn mũ sắt”).

Xác định Chư Tan Kra là điểm cao chiến lược nên quân đội Mỹ đã xây dựng tại đây một căn cứ quân sự vững chắc, trang bị vũ khí tối tân với gần 1.000 binh sĩ đồn trú, gồm 5 đại đội bộ binh và 1 đại đội pháo hỗn hợp cùng các đại đội pháo 105mm, 155mm, 175mm, 203mm đóng ở các căn cứ xung quanh...

Cô Lê Thị Huyên nghẹn ngào: “Nhận định nếu không đánh Chư Tan Kra sẽ rất khó khăn cho ta khi tiến đánh căn cứ KLeng, với quyết tâm tiêu diệt quân Mỹ tại điểm cao này, đêm 25 rạng ngày 26/3/1968, quân ta nổ súng tấn công mạnh mẽ từ các phía, tiêu diệt 2 đại đội và 1 trận địa pháo của địch. Ngay sau đó, địch tăng cường quân chi viện cùng hỏa lực máy bay, pháo...

Trận đánh kết thúc vào 7 giờ sáng ngày 26/3/1968. Kết quả, 204 lính Mỹ bị tiêu diệt nhưng trên 200 chiến sĩ của ta cũng đã anh dũng hy sinh. Hơn 70% chiến sĩ Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi giấu quân. Một số người mãi mãi ra đi trong bệnh xá tiền phương, hơn 135 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi Điểm cao 995 - Chư Tan Kra trước lúc bình minh lên”.

Đau đớn thay khi sau trận đánh, thi thể của các liệt sĩ đã bị địch dồn vào hố chôn tập thể. Thắp nén hương ở hàng mộ ngay sau khu tưởng niệm, nhiều người không khỏi xúc động khi còn những ngôi mộ đề dòng chữ: “Chưa xác định tên” hay khu mộ chung của 14 liệt sĩ cũng chưa rõ danh tính...

Rưng rưng khi còn có một số liệt sĩ chưa xác định tên.

Rưng rưng khi còn có một số liệt sĩ chưa xác định tên.

Khu tưởng niệm mang dáng dấp ngôi đình làng Bắc Bộ

Điểm cao 995 - Chư Tan Kra được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh mang dáng dấp một ngôi đình làng Bắc Bộ được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 100.000m2, trong đó khu vực I được bảo vệ rộng khoảng 40.000m2, gồm: Nhà tưởng niệm, 2 nhà bia và 2 bức phù điêu tái hiện sự chiến đấu, hy sinh quả cảm của các chiến sĩ trong trận chiến Chư Tan Kra. Công trình được xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị nhờ sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum. Đến năm 2021, tổng cộng 169 hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, quy tập về đây.

Được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng, ngôi nhà mang tên Nhà văn hóa có tổng diện tích sàn hơn 445m2, nằm ở Khu B của quần thể Di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cao 995 – Chư Tan Kra. Bên trong phòng trưng bày, tại vị trí chính giữa là sa bàn thể hiện diễn biến 4 trận đánh tiêu biểu của bộ đội chủ lực cùng với quân và dân huyện Sa Thầy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó là trận đánh tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; trận đánh tại Điểm cao 1015 – Đồi Charlie và trận đánh tại Điểm cao 1049 – căn cứ Delta, tạo tiền đề để các lực lượng khác của ta tiến công, giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh; trận đánh tại căn cứ Kleng giải phóng huyện Sa Thầy.

Phía bên trái của sa bàn là khu vực khánh tiết, nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là khu vực trưng bày các kỷ vật bộ đội ta sử dụng trong chiến tranh do nhân dân huyện Sa Thầy hiến tặng, như súng, đạn, xẻng, bi đông đựng nước, dụng cụ sơ cứu, mũ cối, đèn pin. Đặc biệt, khi tham quan khu vực này, người xem còn được tận mắt thấy các di vật như tăng võng, dây thắt lưng, dép cao su, bàn chải đánh răng, nồi gang, bát ăn cơm, được tìm thấy cùng với hài cốt của các liệt sĩ Trung đoàn 209 tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra.

Ở khu vực này còn trưng bày những cuốn sách, bài viết trên ấn phẩm báo chí với nội dung lịch sử hào hùng của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta và lực lượng vũ trang huyện Sa Thầy giai đoạn 1960 – 2010. Ngoài các kỷ vật, di vật, hình ảnh trên, trong phòng trưng bày còn có 1 tivi cùng hệ thống âm thanh để chiếu các thước phim tư liệu chiến tranh của bộ đội, quân và dân huyện Sa Thầy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, từ năm 2016, vào mỗi dịp 26/3, chính quyền địa phương và nhân dân Hà Nội, Kon Tum đều tổ chức Lễ giỗ trận với nhiều hoạt động văn hóa như lễ cầu siêu, biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu các món ăn truyền thống... Đây còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trong dịp Hiệp hội Du lịch Việt Nam và doanh nghiệp du lịch địa phương tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm này vào tháng 4/2022, ông Huỳnh Đức Tiến, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kon Tum chia sẻ: “Cùng với Đồi Charlie, Điểm cao 995 là hai cứ điểm quân sự trong chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt tại khu vực này thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”.

Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra đã và đang trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống và là điểm “du lịch về nguồn” hấp dẫn của tỉnh Kon Tum.