Truyền thông Chính sách

Thẩm định Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi

(PLVN) - Chiều 2/10, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Chủ trì phiên họp là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Thẩm định Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi

Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi ban hành đến nay, các nội dung của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) và các Luật sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách thuế TNDN ngoài việc đảm bảo nguồn thu quan trọng, ổn định cho NSNN, thực hiện chính sách phân phối lại trong nền kinh tế còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện nay đang có nhiều thay đổi, sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ cũng như công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và mở rộng của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ; qua đó cũng đặt ra những yêu cầu mới cho việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam.

Bên cạnh đó, qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn vừa qua, chính sách thuế TNDN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển trong thời gian tới, bao gồm các quy định về thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ, về chính sách ưu đãi thuế TNDN.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có quy định chính sách ưu đãi thuế TNDN như Luật Đầu tư năm 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017…

Do đó, việc xây dựng Luật Thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, bổ sung đối tượng ưu đãi thuế gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh tái; công nghiệp, bán dẫn; các dự án đầu tư phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, vị này cũng đề nghị Bộ Tài chính không đưa thêm tiêu chí xác định ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời xem xét có các quy định ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh để thúc đẩy, hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số để chuẩn hóa thuật ngữ, bao quát hết đối tượng nộp thuế và các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số đã xuất hiện tại Việt Nam; đề nghị bổ sung thêm các khoản chi cho chuyển đổi số; điều chỉnh cụm từ “sản xuất sản phẩm phần mềm” tại điểm b khoản 1 Điều 13 thành “sản xuất sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin” để bảo đảm ưu đãi đúng đối tượng, đúng trọng tâm, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp phát triển…

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận tại phiên họp Thẩm định Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận tại phiên họp Thẩm định Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến thảo luận từ thành viên Hội đồng. Theo Thứ trưởng, các nội dung của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để bảo đảm các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung có tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; tránh việc ban hành nhiều văn bản dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp rà soát nội dung dự thảo Luật với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Đọc thêm