“Hiện tại, chưa thể nói tham gia TPP được gì, mất gì. Cái gì cũng phải trả học phí. Quan trọng là chúng ta khai thác đến đâu, lợi thế đến đâu và khả năng chịu đựng của nền KT đến mức nào…"- LS Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo "Đàm phán HĐ (HĐ) thương mại (TM) Tự do Xuyên Thái Bình Dương - TPP: VN được gì? mất gì?".
Hiệp định thế kỷ
Theo LS Trần Hữu Huỳnh, mặc dù chưa ký song TPP là một HĐ "thế kỷ", có tính chất tự do rất cao, hơn cả việc tham gia vào Tổ chức TM thế giới (WTO) vì đây là đàm phán sâu, các bên ở vị thế bình đẳng. Vì thế, cơ hội và thách thức cho các thành viên sẽ rất lớn.
Ông Jay L. Eizenstat, Luật sư cao cấp về chính sách của Miller&Chevallier cũng cho biết TPP là HĐ TM tự do “thế hệ mới”, toàn diện, đầy tham vọng và tiêu chuẩn cao; là một thỏa thuận khu vực mở rộng, linh hoạt và toàn diện.
Với tính chất là cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu của các bên tham gia: loại bỏ hoàn toàn nhiều dòng thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ, các yêu cầu cao về môi trường và lao động… “TPP sẽ mang đến cho VN nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn. Tuy nhiên, điều này rất phù hợp với lợi ích KT của VN trên các lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ và các vấn đề chung”, LS. Jay L. Eizenstat nói.
Trong thông điệp gửi các DN, VCCI cũng cho biết, thời gian tới, VN đang có kế hoạch đàm phán TPP với 7 nước đối tác trong đó có Hoa Kỳ. Với tính chất là cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu của các bên tham gia (ví dụ loại bỏ hoàn toàn nhiều dòng thuế nhập khẩu, mở cửa dịch vụ, các yêu cầu cao về môi trường và lao động…), nếu được ký kết, TPP chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến triển vọng kinh doanh của các ngành và nền KT của chúng ta, ít nhất bởi lý do Mỹ là đối tác TM đặc biệt lớn của VN… Sao cho có lợi?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên Ủy ban hợp tác KT quốc tế cho rằng nền KT VN sẽ "phải bật lên" để tranh thủ những cơ hội mà TPP đem lại, như tăng xuất khẩu và dịch vụ, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các cam kết… Đây chính là những động lực để cả nền KT phải chuyển mình và đòi hỏi cộng đồng DN phải có ý thức thực hiện khi phải chịu những áp lực lớn hơn.
Khi tham gia WTO, các DN VN đã phải cố hết sức mới có thể trụ vững được, bởi vậy, TS. Loan đề nghị khi đàm phán TPP đòi hỏi việc tham vấn cũng phải hết sức cẩn thận nhằm tránh những tác động không tốt do sức cạnh tranh của hàng hóa VN còn thấp. Bà Loan cũng lưu ý cần phải cân bằng được lợi ích giữa các bên để ít bị thiệt hại nhất, đặc biệt là những đối tượng luôn phải chịu thiệt thòi là người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Đồng tình với quan điểm này, LS. Trần Hữu Huỳnh cũng lưu ý, trong quá trình đàm phán để tham gia TPP, cần tham vấn một cách rộng rãi trong cộng đồng DN nhằm cung cấp thông tin một cách cụ thể và đa chiều hạn chế những tác động không tốt khi thực hiện.
“Với một thị trường mới nổi như VN đã có "vốn giắt lưng" bằng các FTA, bằng WTO... thì rõ ràng tham gia TPP là cần thiết, vì lợi ích của dân tộc. Trong TPP không có 2 tầng nghĩa là không có quy chế đặc biệt dành cho các nước phát triển và đang phát triển. VN phải có phưong sách và giai đoạn phù hợp, quy chế phù hợp với điều kiện của mình…”, LS Huỳnh lưu ý.
Theo LS. Jay L. Eizenstat, tham gia TPP, VN cần tiếp tục cải cách pháp luật để đạt được các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được bởi hầu như các nước TPP vẫn chưa công nhận VN là một nền KT thị trường. TPP cũng sẽ không giúp loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa kỳ hiện đang áp dụng...
Thanh Thanh