“Thảm họa”… giấy khen

(PLO) - Thông tư 30 đổi mới đánh giá nhận xét học sinh tiểu học sau gần 2 năm thực hiện vẫn đang khiến phụ huynh học sinh đứng ngồi không yên với những đổi mới khá khó hiểu được thể hiện cụ thể trong các tấm giấy khen cuối năm học. Đỉnh điểm là mới đây nhất, dân mạng lại “nổi sóng” với giấy khen của Trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội với nội dung: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Linh hoạt… khen từng mặt

Nhận được giấy khen của con, phụ huynh tá hỏa, không hiểu “từng mặt” là như thế nào. Bình thường năm trước đã mù mờ con đạt học sinh giỏi ở mức độ nào, học sinh tiên tiến là thế nào thì năm nay lại thêm phần hoang mang: “Chắc chắn giấy khen này không quy đổi ra được danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến như trước đây, lại càng không giống cách khen thông thường của các trường hiện nay là học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt. Danh hiệu học sinh khen từng mặt thật khó để phụ huynh hiểu chứ chưa nói tới giải thích cho con” - một phụ huynh học sinh của trường chia sẻ.

Giải thích về nội dung danh hiệu này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phương cho biết, nhà trường thực hiện theo Thông tư 30 với thống nhất áp dụng 2 hình thức khen học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt. Tuy nhiên, trên giấy khen lại không thể hiện được khen từng mặt là mặt nào nổi trội của học sinh đó như môn Toán, môn Tiếng Việt, hay Thể dục thể thao…Có thể thấy, cuối năm học, việc tặng giấy khen của các trường quả thực rất đa dạng về đủ loại thành tích, danh hiệu.

Có trường khen con đạt thành tích giao lưu năng khiếu, có trường tặng giấy khen con có tinh thần tương thân tương ái, có giấy khen học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán, có giấy khen thì không đủ chỗ để ghi nội dung khi con được khen hoàn thành tốt các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý… cộng thêm tích cực trong công tác học tập.

Sau thắc mắc của phụ huynh về nội dung khó hiểu khi trường phát cho con em mình giấy khen đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt, Trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội, đã rút lại toàn bộ giấy khen và xin lỗi phụ huynh. Hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên đến từng nhà trao tận tay giấy khen mới cho học sinh, xin lỗi phụ huynh. 

Trước đó, trên báo chí, bà Trần Thị Tám - Hiệu trưởng Trường TH Tân Phương cho biết, Giấy khen được ghi theo quy định của Thông tư 30. Cụ thể, trường có hai hình thức khen là học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận lỗi từ ngữ trong giấy khen gây khó hiểu và đáng nhẽ cần ghi rõ học sinh được khen về mặt Toán, Tiếng Việt hay Thể dục thể thao...

 “Chưa đạt chỗ nào, chưa tốt ra sao?”

Thực tế, về phía nhà trường, việc đánh giá học sinh khá vất vả. Bà Đào Thị Thủy -  Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm khẳng định, việc nhận xét gặp nhiều khó khăn. “Nếu đánh giá bằng điểm số, ví dụ tôi kiểm tra một khối lớp, chẳng hạn 20 lớp, tôi chỉ cần xem 20 trang giấy, biết được chất lượng học sinh thế nào. Nhưng bây giờ để kiểm soát một khối lớp khoảng 600 học sinh, tôi phải đọc 600 tờ giấy để biết cô diễn đạt thế nào, chất lượng học sinh ra sao”, bà Thủy bày tỏ.

Ngoài những khó khăn trong đánh giá vì sĩ số học sinh /lớp đông, nhiều giáo viên còn thừa nhận việc nhận xét đối với giáo viên chủ nhiệm đã vất vả nhưng đối với giáo viên bộ môn (nhạc, họa, thể dục) còn vất vả gấp nhiều lần. Bà Thủy cho rằng, sâu xa của việc thực hiện Thông tư 30 là giáo viên ghi, theo dõi sát, nắm vững từng học sinh yếu, mạnh điểm nào. Tuy nhiên, giáo viên mất nhiều thời gian cho nhận xét, không tập trung được nhiều thời gian đầu tư cho việc dạy - học.

Để Thông tư 30  đi vào thực tiễn, chỉ phù hợp với sĩ số không quá 30 - 35 học sinh/lớp. Ngoài ra, việc ghi chép, nhận xét chỉ hướng vào mặt mạnh, yếu của học sinh, không đánh giá tràn lan, chung chung. Bên cạnh đó, đơn giản hệ thống sổ sách của giáo viên, đảm bảo tiện dụng, dễ theo dõi... Hơn nữa, trước khi Bộ GD-ĐT đưa chương trình mới vào thực hiện năm 2018, mong có những thí điểm cụ thể để giáo viên dễ thực hiện.

Cô T.H, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, năm học trước khi biết phải nhận xét học sinh thay điểm số chị đã chuẩn bị ngay 5 cái “triện” với những nhận xét như “Rất tốt”, “Cần cố gắng”, “Cô khen”, “Cố lên nhé”… với dự tính để đóng dấu vào vở cho học sinh, nhưng rồi không được dùng. “Giáo viên chúng tôi được yêu cầu phải viết tay. Ngồi viết tay hơn 60 cái nhận xét, có muốn viết đẹp hết cũng khó. Ý tứ cũng chỉ có thế, sao không cho chúng tôi làm cách khác nhanh chóng hơn. Những trường hợp đặc biệt nào cần lưu ý thì chúng tôi có nhận xét thêm, như vậy đỡ mất thời gian và công sức?”.

Cô H. cũng cho biết thêm, trẻ cấp I, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 vốn từ vựng ít, diễn đạt kém, dù cô có đủ sức sáng tạo ra hàng chục lời phê thì con cũng khó lòng hiểu hết. Vậy nên, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ “Con làm bài tốt, cô khen”, “Con cần cố gắng hơn nữa”, “Con làm bài chưa đạt”… Nhưng chưa đạt ở chỗ nào, tốt ra sao… thì lũ trò nhỏ không thể nào hiểu được. “Cô trả bài xong là chúng nhét luôn vào ngăn bàn, vào cặp sách rồi… quên luôn”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉnh sửa Thông tư 30?

Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, bước đầu khi triển khai Thông tư 30 nhiều người có nói vội vàng. Nhưng Thông tư 30 triển khai cả nước mang một ý nghĩa nhân văn rất lớn là giảm áp lực điểm số cho học sinh, không được so sánh giữa học sinh này và học sinh khác.

Về khen thưởng, thay bằng chỉ xếp loại thì nay các em giỏi ở mặt nào sẽ được khen ở mặt đó, khen cụ thể, đa số được khen vì mỗi em có những ưu điểm cần khuyến khích. Cũng theo ông Định, sau gần 2 năm thực hiện Thông tư cơ bản đã được xã hội chấp nhận. Gần 100% giáo viên, cán bộ quản lý đã được tập huấn để hiểu sâu về tinh thần, phương pháp đánh giá trên thực tế.

Trong chuyến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP HCM trên cương vị là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ chỉ đạo rà soát lộ trình thực hiện Thông tư 30 từ năm học sau. Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện thí điểm tại một số trường từng địa phương trước khi áp dụng đại trà. Lộ trình sẽ có sự hoàn thiện thay đổi hợp lý hơn về cách xếp loại, đánh giá kết quả của học sinh về mặt học tập cũng như rèn luyện.

Tại buổi làm việc, ông Nhạ cũng chia sẻ nỗi vất vả mà các thầy cô đã trải qua khi thực hiện Thông tư này và yêu cầu giáo viên tiểu học không chấm điểm mà thay bằng cách nhận xét. Ông cũng nói thêm, mục tiêu của Thông tư này là toàn diện, nhân văn và đúng đắn. Đây cũng là phương thức đánh giá học sinh tiểu học được nhiều nước tiên tiến sử dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế ở các địa phương khác nhau, với điều kiện khác nhau đã bộc lộ những khó khăn.

Đọc thêm