Có dịp “vào ca” cùng những người lính công binh (Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh, chúng tôi mới thấm thía và hiểu được phần nào nỗi vất vả, sự nguy hiểm mà các anh nếm trải.
Làm việc với “thần chết”
Là người đã có thâm niên, kinh nghiệm hơn 15 năm rà phá, khắc phục, xử lý bom mìn, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Quang Vĩ -nhân viên công binh - đằm mình trong bùn đất, nhẹ nhàng đào, hót từng lớp đất mỏng xung quanh quả bom. “Đối với những loại bom, mìn cũ còn tồn sót lại sau chiến tranh, đa phần đã bị hoen gỉ phần vỏ nhưng ngòi nổ thì vẫn còn nguyên công năng nên rất nguy hiểm, phức tạp, không biết nổ lúc nào. Đây là công việc đòi hỏi mỗi người lính công binh chúng tôi phải tập trung cao độ, không được phép lơ là, chủ quan, mà phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và độ chính xác cao trong từng thao tác kỹ thuật. Bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể phải trả giá đắt bằng tính mạng của bản thân và đồng đội”- anh Vĩ chia sẻ.
Tại khu vực tập kết, hủy nổ bom, mìn, nhìn những quả bom “ngủ yên” trong lòng đất mấy chục năm qua vừa được đưa lên khiến chúng tôi không khỏi “rùng mình”, “thót tim”. Trung úy Phạm Văn Quân - Trung đội trưởng Trung đội Công binh - bảo: “Các anh đừng lại gần, nguy hiểm lắm!”.
Gian khổ, vất vả là vậy, nhưng khi chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống riêng thì các anh đều gạt đi. Anh Quân trải lòng: “Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý bom, mìn là một lần “ra trận”. Lúc đầu chúng tôi cũng lo sợ nhưng cứ nghĩ công việc của mình góp phần trả lại màu xanh cho mảnh đất quê hương, giúp nhân dân yên tâm sản xuất thì đó lại là động lực, niềm vui, nguồn động viên lớn để chúng tôi rèn luyện bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Đòi lại sự sống
Được biết, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hải Dương là địa bàn trọng điểm, có tuyến đường 5, đường sắt huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ẩn sâu trong lòng đất vẫn còn đó những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại.
Gần đây nhất, trong quá trình thi công đào hố rác phục vụ cho quy hoạch nông thôn mới tại cánh đồng Cấm, thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đơn vị thi công phát hiện ra một hố sâu chứa rất nhiều bom, mìn, đạn còn tồn sót sau chiến tranh. Nhận được thông báo, Bộ CHQS tỉnh đã cử lực lượng công binh có mặt, nghiên cứu phương án thu gom, vận chuyển và xử lý hủy nổ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau một tuần thu gom, vận chuyển tập kết đến vị trí hủy nổ, lực lượng công binh đã tiến hành hủy nổ theo phương pháp kích nổ điện 208 quả bom, mìn, đạn các loại, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.
Thượng tá Nguyễn Duy Ứng - Trưởng ban Công binh - cho biết: “Mỗi khi nhân dân phát hiện có bom, mìn và báo tin cho cơ quan là chúng tôi có mặt. Với người lính công binh, quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn phải đối mặt với “tử thần”. Vì vậy, ngoài việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, tinh thần thép thì chúng tôi chú trọng công tác tổ chức huấn luyện chặt chẽ, lấy thực hành làm chính; huấn luyện thành thạo về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, nắm chắc về tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị dò tìm; bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ sau khi huấn luyện có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ”.
Đại tá Vũ Đình Toản - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh- nói, việc xử lý các loại bom, mìn còn tồn sót sau chiến tranh là một công việc nguy hiểm. Quá trình tiến hành đòi hỏi mỗi người lính công binh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy tắc và quy trình an toàn trong dò tìm, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ. Đây là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và bỏ qua giai đoạn.
Do chấp hành nghiêm quy trình, quy tắc an toàn, những năm qua đơn vị luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng 2 năm (2015 - 2016), bằng công sức, sự dũng cảm đối mặt với nguy hiểm cán bộ, chiến sĩ công binh đã rà phá, thu gom, xử lý hàng nghìn kg bom, mìn các loại. Trong đó, có một quả bom có trọng lượng trên 70 kg, đường kính 30cm, chiều dài 70cm và 207 quả đầu đạn pháo, đạn cối, lựu đạn và mìn các loại; rà phá, làm sạch gần 40 hécta đất nông nghiệp, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội…