Nằm ở phố mang tên chùa, chùa Hà cùng với Đình Bối Hà lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà. Cứ vào ngày cuối tuần, người ta lại thấy tấp nập những nam thanh nữ tú, những đôi bạn trẻ đến viếng cảnh, thắp hương...
Những ngày bình thường, chùa Hà chỉ mở từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng vào cuối tuần và các dịp lễ trong năm, thời gian được nới rộng ra đến 7 giờ tối.
Theo truyền miệng, đến chùa Hà, nếu muốn xin bình an, may mắn, tài lộc cho bản thân và gia đình, người ta thường đến Đền Tam Bảo nằm phía bên tay trái để sửa lễ và dâng hương.
Liền ngay phía sau Đền Tam Bảo là Đền Mẫu, nơi dành riêng cho những ai muốn "cầu đường tình duyên".
Để tránh lãng phí, ban quản lý chùa đã treo biển khuyên người đi lễ chỉ nên thắp một nén nhang. Tuy nhiên không mấy ai thực hiện bởi đa phần mọi người cho rằng đốt nhiều mới "đủ thành tâm và biết ơn đến các bậc bề trên".
Cạnh Đền Tam Bảo là đình Bối Hà thờ Thành Hoàng làng. Hằng ngày chủ yếu là người dân trong khu vực và các cụ cao niên đến thắp hương...
Ngày thường chùa và đền khá vắng vẻ. Theo cụ Mão, thành viên của ban Quản lý chùa, Chùa Hà không có sư trụ trì, chỉ có một số các cụ thay nhau trực và quét dọn. Trước kia nơi đây được Đại tướng Nguyễn Quyết đặt làm căn cứ cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Khi được hỏi Chùa Hà có thực là "chùa linh về đường tình duyên hay không", cụ Mão cho biết: "Đó là do người ta truyền tai nhau gần 10 năm nay lại đây, còn trước đó ngôi chùa này chỉ cầu bình an như bao ngôi chùa khác".