Ngư dân xem ông là “ông tổ” của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương.
Từ cá mập đến cá ngừ đại dương
Năm Rỵ là một biệt danh trìu mến mà nhiều người trong nghề đặt cho ông Hoa vì cảm phục cái tính lì lợm, kiên gan bám biển của ông. Khi mới 15 tuổi ông đã ra biển, nối nghiệp cha làm nghề câu cá mập. Con cá mập nặng cả trăm ký, chỉ cần một sơ sót nhỏ thôi cũng có thể bị những chiếc răng sắc nhọn của nó ngoạm đứt tay, đứt chân như chơi.
Chính vì thế, nghề câu cá mập dạy cho ông tính gan lì, cẩn thận vốn rất cần thiết cho một người dân đi biển. Cũng từ sự kiên gan ấy, ông cảm thấy bất bình khi tàu lớn của nước ngoài tìm đến vùng biển của Việt Nam để đánh bắt cá.
“Năm 1992, tàu của mình còn nhỏ, không ra được xa bờ nên thấy tàu của nước ngoài tìm đến tận vùng biển của mình để bắt cá, tôi ức lắm. Cũng vì vậy mà tôi bí mật tìm hiểu, nghiên cứu vài lưỡi câu và rẻo câu của mấy tàu lớn đó. Lạ ở chỗ, lưỡi câu không phải loại dùng để câu cá mập. Tôi mắc vào thử chung với dàn lưỡi câu của mình.
Chuyến đi biển ấy, thuyền của tôi bội thu cá mập, đáng chú ý, từ lưỡi câu nước ngoài lại dính một con cá ngừ đại dương. Tôi mang con cá ngừ đại dương về, vợ tôi "xỉa xói" vì lúc đó cá ngừ đại dương không ai ăn, mà chỉ nấu cho heo”, ông Năm Rỵ nhớ lại.
Nhưng cũng từ chuyến đi biển này, một số công ty thủy sản nghe tin ông Năm Rỵ săn được cá ngừ đại dương vội vàng cho người đến tận nơi thu mua. Rồi bỗng dưng, loại cá này có giá. Vậy là ông nhờ người thân đặt mua thêm lưỡi câu, dụng cụ câu từ Đài Loan rồi về hành nghề câu cá ngừ đại dương. Đó là năm 1994, nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam ra đời từ đó.
Ngày ấy, tàu của ông Năm Rỵ thuộc loại lớn ở phường 6, nhưng công suất cũng chỉ 30CV. Trang bị trên tàu rất đơn sơ, không máy bộ đàm, không máy định vị, không la bàn. Điều khó tin là tàu của ông ngày ấy ra khơi khai thác chỉ định hướng bằng sóng của đài phát thanh.
“Từ bến tụi tôi chạy thẳng ra hướng đông, vừa chạy vừa mở radio trên sóng của đài Phú Yên. Đến khi nghe đài bắt sóng thật yếu rồi mới buông câu. Cứ vậy đánh dọc ra phía bắc đến khi không nghe được đài Phú Yên thì quay lại đánh đến khi bắt sóng đài Khánh Hòa yếu mới quay về. Cứ thế, tàu của tôi chưa bao giờ bị lạc hay cập lộn bến”, ông Năm Rỵ kể.
Vừa làm ăn, ông Năm Rỵ vừa đem nghề truyền dạy cho bà con trong làng. Những người con, cháu của ông và thanh niên trai tráng mới lớn lên cũng theo ông và nhóm bạn thuyền xuống tàu ra biển vừa học nghề, vừa làm lụng tích lũy vốn cho đến khi trưởng thành tự sắm tàu thuyền, ngư cụ để mưu sinh. Cũng từ đây, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đã đem đến một cuộc sống no đủ cũng như sự khởi sắc cho ngư dân làng chài này.
Câu cá ngừ đại dương là nghề sống được nhất trong các nghề làm biển hiện nay ở Phú Yên |
Từ nghề câu cá mập chuyển sang câu cá ngừ đại dương, ông Năm Rỵ nhận định đây là nghề sống được nhất trong các nghề làm biển hiện nay ở Phú Yên. Sau đó, ông dành hết vốn liếng dành dụm đầu tư sắm tàu thuyền lớn hơn để ra khơi bám biển. Đến nay, gia đình ông đã có 3 tàu lớn đánh bắt cá ngừ đại dương.
“Mấy chục năm qua, cá ngừ đại dương đã đem lại thu nhập hàng ngàn tỷ đồng cho ngư dân nơi đây. Riêng với bản thân, nghề câu cá ngừ đại dương biến tôi từ một lão ngư nghèo đã trở thành một tỷ phú. Bây giờ, tôi chia đều các tàu cho các con trai tiếp tục vươn khơi bám biển hành nghề”, ông Năm Rỵ chia sẻ.
Góp phần giữ chủ quyền
Từ thời nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mới khởi phát, ngư dân làm ăn riêng lẻ, đơn độc nên đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra khi thiên tai, hoạn nạn bất ngờ giữa biển. Chính ông Năm Rỵ đã lên tiếng kêu gọi bà con trong làng kết nối nhau cùng làm biển. Ông đứng ra vận động thành lập tổ tàu thuyền an toàn, nhận lời giúp đỡ, làm cố vấn cho anh em các tổ làm ăn.
Nhờ cuộc vân động này, bà con đã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trên biển. Nhiều năm qua, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn do thiên tai, sự cố hỏng hóc tàu thuyền, nhưng bà con kịp thời cứu nhau, không để xảy ra thiệt hại về người.
Ngư dân Nguyễn Tiến Phương (ngụ phường 6) cho biết: “Cả một đời bám biển, ông Năm Rỵ thông thuộc từng con nước, dòng chảy, mực thủy triều lên xuống, rành tất cả các luồng lạch. Không chỉ ở Phú Yên này mà các bến cảng, vùng biển dọc theo chiều dài đất nước đến các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hễ anh em chúng tôi có khó khăn gì, gọi về nhờ ông hướng dẫn là tháo gỡ được ngay”.
Theo ông Phạm Minh Thảo - Chủ tịch UBND phường 6, sau khi có Nghị định 67 của Chính phủ về Chính sách phát triển thủy sản, UBND phường đã thành lập tổ đánh bắt Sông Đà với 20 phương tiện cùng hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương do ông Năm Rỵ làm tổ trưởng.
Để giúp các thành viên trong tổ làm ăn, ông Năm Rỵ đặt một máy đàm thoại tầm xa tại nhà, như một đài canh trạm bờ. Hàng ngày, ông mở đài, liên lạc để nắm bắt từng phương tiện trong tổ đang nằm ở tọa độ nào, tình hình ngư trường tại đó ra sao. Đồng thời, ông nghe thông tin dự báo thời tiết, dự báo nghề cá, kết hợp với kinh nghiệm mùa màng qua một thời đi biển để gọi ra biển chỉ hướng cho các tàu đi đánh bắt.
“Những năm qua, nghề biển nhiều lúc thăng trầm, song những con tàu trong tổ đánh bắt Sông Đà vẫn vươn khơi bám biển vững vàng. Một năm cả tổ đánh bắt từ 8 đến 9 chuyến biển. Tổ đánh bắt Sông Đà được xem là một trong những hình mẫu cho mô hình vận động ngư dân đoàn kết phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Thảo khẳng định.
Trong ngành thủy sản, Phú Yên là tỉnh đầu tiên có nghề câu cá ngừ đại dương. Còn người Phú Yên lại xem ông Năm Rỵ là “ông tổ” của nghề này. Đánh bắt cá ngừ đại dương không chỉ trở thành nghề chính để ngư dân khai thác nguồn lợi từ biển cả mà còn trở thành động lực lớn để ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước.