[links()]
Kỳ cuối: Bệnh viện cầu cứu công an
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thẳng thắn: “Bất kỳ cơ sở nào có hoạt động chạy, ghép thận cũng có những đường dây “cò” tổ chức các hoạt động về mua đi, bán lại thận để kiếm lời”.
Lời lãi từ việc kinh doanh thận - món hàng nội tạng của cơ thể người là bao nhiêu mà nhiều kẻ bất chấp pháp luật lao vào?. Câu chuyện đau lòng của sinh viên Tô Công Luân (sinh năm 1986, quê Ninh Thuận) xảy ra vào năm 2008 có thể giúp chúng ta trả lời chân thực câu hỏi trên.
1 quả thận = 70 triệu + 1 mạng người
Bị “cò” dụ dỗ, lại đang túng thiếu nên Luân đã đồng ý bán trái thận của mình. Đặc thù của Đường dây bán thận này là “săn hàng” ở Việt Nam rồi đưa người bán, người mua thận sang Trung Quốc ghép thận để che giấu hành vi phi pháp của mình.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thẳng thắn: “Bất kỳ cơ sở nào có hoạt động chạy, ghép thận cũng có những đường dây “cò” tổ chức các hoạt động về mua đi, bán lại thận để kiếm lời”. |
Hành trình bán thận của cậu sinh viên bắt đầu từ đầu năm 2008, cùng đi với Luân lúc đó còn có một nhóm bốn, năm người Việt do một “cò” tên Hồng dẫn mối. Giao dịch thận diễn ra tại một bệnh viện ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Khi chưa kịp cầm trên tay những đồng tiền thu được từ việc bán đi một phần cơ thể, Tô Công Luân liên tục chìm vào những cơn hôn mê sâu. Những ca mổ khiến thân thể của chàng sinh viên 22 tuổi chằng chịt những vết sẹo, thân thể gầy rộc đi.
Vụ mua bán nội tạng chỉ được phát hiện khi ông Tô Công Sơn, bố đẻ của Luân tìm con không thấy đã gặp bạn gái của Luân để gặng hỏi. Biết chuyện, ông Sơn làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an. Nỗ lực của ông Sơn đã giúp cho cậu con trai của mình trở về trong tình trạng... sống thực vật. Ngày 21/6/2008, Luân qua đời.
Mọi việc vỡ lở. Dư luận hồ nghi người mua thận của Luân chính là một phó giám đốc sở ở TP.Hồ Chí Minh. Vị quan chức này phủ nhận việc mua thuận của Luân nhưng công nhận rằng ông ta đã được ghép thận tại nơi mà Luân bán thận. Số tiền mà lãnh đạo này chi trả cho quả thận rơi vào khoảng 40.000 USD, tương đương 700 triệu thời bấy giờ. Số tiền này gấp đúng 10 lần mà Tô Công Luân có thể nhận được sau khi bán thận.
Một chi tiết đáng lưu tâm khác đó là nhờ có sự giới thiệu của lãnh đạo một bệnh viện trong nước mà vị phó giám đốc sở này mới biết mối đi Trung Quốc ghép thận. Và đầu mối ở Trung Quốc trong phi vụ mua bán thận này cũng là một bác sỹ gốc Việt công tác tại bệnh viện nơi ông
Tài ghép thận sau này
Trong khi đó, đầu năm 2011 này, phóng viên đã lên mạng tìm kiếm rồi liên hệ với các số điện thoại mà chủ nhân là các bệnh nhân đang cần ghép thận để khảo sát số tiền mà họ chấp nhận chi trả cho quả thận. Con số thấp nhất mà phóng viên nhận được trong quá trình mặc cả lên tới 150 triệu đồng/quả thận. Còn lại, giá mỗi quả thận dao động ở mức 180-200 triệu đồng.
Những người bệnh ấy tâm sự: Mạng sống là quan trọng. Thế nên bỏ ra vài trăm triệu để mua một quả thận nhằm duy trì cuộc sống thì có đáng gì?
Về chuyện “cò” đứng giữa ăn tiền chênh lệch của người mua - người bán thận, các bệnh nhân này bảo rằng: “Cò” thận chấp nhận vi phạm pháp luật thì họ phải có tiền công cao là lẽ đương nhiên!
“Cò” Hồng công nhận chuyện mua bán thận
Trở lại với đường dây buôn bán thận mà nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam thâm nhập tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi “đứt” hợp đồng “hiến” thận, “cò” Hồng đã nhiều lần trách móc phóng viên về “kiểu làm ăn trẻ con”.
Ngày 3/3, phóng viên liên lạc lại với Hồng để trình bày lý do rút lui khỏi chuyện bán thận là vì Hồng ăn chênh lệch quá lớn khi mua từ phóng viên quả thận với giá rẻ mà lại bán cho các bệnh nhân với giá rất cao. Hồng trả lời: “Em biết chị bán cho người ta bao nhiêu mà nói?”.
Như vậy, sau rất nhiều lần né tránh đề cập đến chuyện mua bán thận, “cò” Hồng đã công nhận với phóng viên về hành vi kinh doanh nội tạng của minh thông qua việc mua đi bán lại thận.
“Cò” Hồng cũng không quên hăm dọa phóng viên bằng một câu nói sặc mùi xã hội đen: “Sẽ cho người tìm về tận nhà mày...”.
Ngày 7/3, trao đổi với phóng viên, Giáo sư (GS) Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức rất bức xúc khi nghe thông tin, bằng chứng về sự tồn tại của một đường dây mua bán thận hoạt động tại bệnh viện này mà đối tượng Hồng, một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận là một mắt xích quan trọng.
GS. Quyết nói: “Tôi sẽ lập tức cho kiểm tra thông tin về hồ sơ bệnh án của Hồng. Đồng thời chúng tôi rất cám ơn quý báo đã thâm nhập, cung cấp thông tin về sự tồn tại của đường dây này. Bệnh viện Việt Đức nhất định sẽ phối hợp với Báo Pháp Luật Việt Nam và các cơ quan chức năng để làm rõ những nghi vấn về đường dây kể trên”.
Nhận định về nạn buôn thận, GS.Quyết thẳng thắn: “Theo tôi, không chỉ riêng ở Bệnh viện Việt Đức mà bất kỳ cơ sở nào có hoạt động chạy, ghép thận cũng có những đường dây “cò” tổ chức các hoạt động về mua đi, bán lại thận để kiếm lời. Trên thực tế, nhu cầu về ghép thận là rất lớn nhưng nguồn cung cấp thận “sạch” như từ người thân, từ người hiến tự nguyện lại rất hiếm do các quan niệm về sức khỏe và duy tâm.
Vì thế, các bệnh nhân phải tìm đến những nguồn cung cấp từ bên ngoài thông qua các đối tượng “cò” dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật”.
“Rất mong cơ quan công an sẽ vào cuộc để làm rõ các đối tượng trong đường dây mua bán thận đã thâm nhập vào bệnh viện chúng tôi” - GS.Quyết bảy tỏ quan điểm.
Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: “Rất mong cơ quan công an sẽ vào cuộc để làm rõ các đối tượng trong đường dây mua bán thận đã thâm nhập vào bệnh viện chúng tôi”.
Thọ Phước - Bảo Ngọc