Tham tán công sứ “mách nước” để doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường Anh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh đều tăng trưởng từ 12-19% tùy theo nhóm hàng và còn cơ hội lớn để cạnh tranh ở thị trường nhiều tiềm năng này.
Nông sản Việt có lợi thế cạnh tranh lớn so với Thái Lan khi xuất khẩu vào Anh. (Ảnh minh họa)
Nông sản Việt có lợi thế cạnh tranh lớn so với Thái Lan khi xuất khẩu vào Anh. (Ảnh minh họa)

Hàng hóa Việt Nam đang được quan tâm lớn

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ (Thương vụ Việt Nam tại Anh), hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng là hiệu ứng rất đáng kể từ thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu nền kinh tế Việt Nam và thành tích chống dịch. Việc nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất tại Việt Nam sau dịch cũng tạo nên một hiệu ứng cộng hưởng rất tốt đối với doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng Anh.

Ngoài ra, quan hệ của Việt Nam và Anh cũng đang đạt những bước tiến rất đáng kể. “Nếu như trước đây người Anh cũng như DN Anh ít nghe đến Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam thì hiện nay, khi tôi đến tất cả các sự kiện mà ở đấy họ biết tôi là tham tán thương mại của Việt Nam tại Anh, họ đều rất hứng thú hỏi chuyện và tìm các cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam sang Anh để phân phối cho thị trường Anh” - ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, từ góc nhìn của thương vụ “có thể nói chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như ngày hôm nay”. Do đó, DN Việt Nam không nên chần chừ, không nên đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh. Thay vào đó, phải nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa khi Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Đáng chú ý, theo ông Cường, khi xuất khẩu sang Anh, DN Việt sẽ ít gặp phải nguy cơ có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Bởi Anh sẽ không có sức ép từ DN trong nước về việc phải ban hành những biện pháp PVTM hay là đánh thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, điều mà DN cần lo lắng là “đối thủ” xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Anh. Hiện, theo ông Cường, có thể thấy 2 đối thủ lớn nhất là Trung Quốc và Thái Lan khi 2 quốc gia này đã xuất hiện tại thị trường Anh từ khá lâu và chiếm được một phần rất lớn tại thị trường này. Họ chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin của bạn hàng và hàng hóa cũng có chất lượng rất tốt.

Phải học cách tiếp cận thị trường

Trước đây hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh được với sản phẩm từ Trung Quốc và Thái Lan nhưng theo ông Cường, hiện nay, nhiều sản phẩm Việt Nam cạnh tranh không hề thua kém sản phẩm Trung Quốc và sản phẩm Thái Lan. Nhưng phương pháp tiếp cận khách hàng thì nhiều DN Việt vẫn còn đi sau DN Trung Quốc và Thái Lan rất nhiều lần, rất nhiều năm. Do đó, DN Việt nên học kinh nghiệm của 2 quốc gia này.

Ví dụ như tất cả các DN Trung Quốc trước khi xuất khẩu sản phẩm sang Anh, họ đều quảng bá, tự giới thiệu trên trang web của họ là sản xuất theo tiêu chuẩn nào đó. Đây là khâu đầu tiên, sau đó thì từng sản phẩm cụ thể, chẳng hạn sản phẩm cơ khí hay các phụ tùng ô tô… đều nói đã sản xuất cho các công ty của Anh, là nhà cung cấp cho các công ty của Anh... Đây là một phương pháp khá hiệu quả. Nếu DN đã có bạn hàng tại Đức, Pháp hay Hà Lan và đã được các bạn hàng bên đó đánh giá tín nhiệm thì đối tác Anh sẽ mua hàng của Việt Nam. Nhưng họ sẽ mua thông qua bạn hàng của họ tại Đức, Pháp, Hà Lan và một số nước khác - những đối tác mà họ đã biết nhiều năm rồi, để đỡ phải lo lắng, băn khoăn về những yếu tố rủi ro, những yếu tố không mong muốn trong vấn đề thời gian giao hàng, quản lý, kiểm soát chất lượng...

“Đấy là tính cách của người Anh, của các DN Anh mà mình phải hiểu để có những giải pháp và giành được niềm tin của họ, làm cho họ thấy yên tâm, tin tưởng vào chất lượng hàng hóa Việt Nam. Phải để họ biết, Việt Nam bây giờ đã là một trong những nơi sản xuất được rất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn Châu Âu, và kể cả người Anh có muốn đạt tiêu chuẩn Anh thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được. Ngoài ra, cũng nên nói thêm về việc mua trực tiếp sản phẩm từ nhà cung cấp của Việt Nam thì DN sẽ có thêm lợi nhuận, tại sao lại phải chia sẻ một phần lợi nhuận đấy cho những bạn hàng trung gian ở giữa” - ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, Trung Quốc rất mạnh về hàng công nghiệp, Thái Lan thì rất mạnh về nông sản. Trong phạm vi các nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước đứng thứ nhất về chiếm lĩnh thị phần nông sản tại Anh. Nhưng, hiện nay, khá nhiều DN Thái Lan rất e ngại Việt Nam vì Việt Nam cũng xuất khẩu nông sản - thủy sản mạnh và đang cạnh tranh rất tốt đối với nhiều sản phẩm của Thái Lan. Ví dụ, gạo Thái trước đây luôn đứng số một tại châu Âu. Nhưng khi gạo mang thương hiệu Việt Nam đã xuất khẩu vào Pháp thì họ đã bắt đầu e ngại. Bởi Việt Nam có lợi thế so với Thái Lan vì có Hiệp định thương mại tự do mà Thái Lan chưa có.

Theo quan sát của ông Cường thì Thái Lan và Anh sẽ còn khá lâu mới có một hiệp định thương mại tự do, do nhu cầu từ cả hai phía. Trong bối cảnh đấy thì nông sản Việt Nam đang rất có lợi thế. Nhưng lợi thế của Việt Nam đối với Anh, để cạnh tranh với nông sản Thái Lan lại phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của các DN Việt Nam. DN Việt Nam có lợi thế nhiều hiệp định nhưng DN Việt lại không có lợi thế về mặt chiến lược so với các DN Thái Lan.

DN Thái Lan có thể nói là cũng giỏi gần như bằng DN Trung Quốc về mặt thương mại, thị trường, họ có một hệ thống phân phối, hệ thống logistics và hệ thống tài chính tốt hơn DN Việt Nam. Do đó, DN Việt nên học họ, để đuổi kịp họ về năng lực chiến lược, về năng lực logistics và hệ thống tài chính. Chỉ khi đó, nông sản của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn với nông sản của Thái Lan và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh.

Đọc thêm