Tham vấn ý kiến nhân dân, tìm kiếm sức mạnh tổng hợp

Quá trình thực hiện thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân còn cho thấy, đây là cầu nối thân thiện giữa ĐB và cử tri, làm cho mối liên hệ này ngày càng thiết thực và hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cơ quan và ĐB dân cử, do nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và phản ánh trung thực kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri ở cơ sở.

Hơn 90 đại biểu là lãnh đạo HĐND, các ban của HĐND, văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của hơn 50 tỉnh, TP trực thuộc TƯ, các cơ quan của QH và một số vị ĐBQH… hôm qua tham dự Hội nghị tổng kết thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân và tăng cường giữ mối liên hệ giữa ĐB dân cử và cử tri năm 2010 do Văn phòng QH tổ chức tại Hà Nội.

Khởi động từ năm 2008, hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân và tăng cường giữ mối liên hệ giữa ĐB dân cử và cử tri hiện đã được thực hiện ở 21 tỉnh, TP trực thuộc TƯ, với mục tiêu tham vấn ý kiến nhân dân hướng vào việc phục vụ giám sát và ban hành chính sách nói chung.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ tịch QH, thông qua hoạt động bầu cử, nhân dân lựa chọn người tiêu biểu, hội đủ đức và tài để thay mặt mình trong các cơ quan dân cử là QH và HĐND. Những ĐB thiếu bản lĩnh, không dám nói thì giống như “một bức tranh không được treo ở giữa tường, mà treo ở góc tường” nên các ĐB dân cử “phải biết nói, dám nói” tiếng nói của cử tri.

Muốn vậy, giữa ĐB và cử tri cần giữ được mối quan hệ thường xuyên, thân thiết, tạo được sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Từ thực tiễn ở Thanh Hóa, đại diện HĐND tỉnh cho biết, hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân đã góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động của HĐND trong việc thực hiện các chức năng giám sát và ban hành các chính sách của mình. Nhờ đó, hoạt động của HĐND được khẳng định, đánh giá đúng mức, xác đáng hơn.

Quá trình thực hiện thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân còn cho thấy, đây là cầu nối thân thiện giữa ĐB và cử tri, làm cho mối liên hệ này ngày càng thiết thực và hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cơ quan và ĐB dân cử, do nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và phản ánh trung thực kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri ở cơ sở.

Nhận thức được vai trò của hoạt động tham vấn trong việc tăng cường trách nhiệm và vai trò của ĐB dân cử, nhiều ý kiến còn cho rằng, cần thể chế hóa hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân và mở rộng thí điểm hoạt động này trên toàn quốc...

Huy Anh

Đọc thêm