Tham vọng của Trung Quốc thổi bùng chạy đua vũ trang ở châu Á

(PLO) - Sự gia tăng nhanh chóng về chi tiêu quân sự của Trung Quốc và việc nước này ngày càng hành động hung hăng hơn nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền trên biển đã thổi bùng lên cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ. 
(Nguồn: Hải quân Mỹ)
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
Theo World Street Journal, thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về việc buôn bán vũ khí trên toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 22/2. Theo báo cáo này, trong số 10 nước nhập khẩu các thiết bị quốc phòng nhiều nhất trong 5 năm qua có đến 6 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Ấn Độ là nước nhập khẩu các thiết bị quốc phòng từ nước ngoài nhiều nhất, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3 sau Ả rập Xê-út.
SIPRI cho hay, một trong những hoạt động gây quan ngại lớn trong khu vực là việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm phục vụ các nỗ lực củng cố các yêu sách chủ quyền của nước này ở đây. Và việc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được xem là một trong những động thái hung hăng nhất của Bắc Kinh cho đến nay. “Đối với một số nước, việc đó cho thấy Trung Quốc đang có ý khẳng định rằng biển Đông là của họ” – ông Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI cho hay. 
WSJ cũng dẫn một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) cho thấy dù sức tiêu thụ của một nước thường gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước đó nhưng các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại không cắt giảm ngân sách quân sự của mình, bất chấp việc nền kinh tế của họ đang chững lại do giá tiêu dùng giảm và tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc. “Sự tiết chế nhẹ trong hoạt động kinh tế ít tác động tới chi tiêu quân sự của khu vực trong năm 2015” – báo cáo của IISS nhận định.
"Theo SIPRI, tổng lượng vũ khí được bán và tặng trên toàn cầu trong giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng 14% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Trong đó, Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 trong giai đoạn này, chiếm 5,9% lượng vũ khí được chuyển giao trên toàn cầu. Con số này thấp hơn nhiều so với 33% thị phần của nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Mỹ và 25% của Nga. Mặc dù vậy nhưng Bắc Kinh cũng đã vượt mặt các nước như Pháp, Đức và Anh – vốn là những nước trước nay bán nhiều vũ khí ra nước ngoài."
Theo IISS, sản lượng kinh tế thấp hơn đã đẩy tỉ lệ giữa chi tiêu quân sự với tổng sản phẩm quốc nội của các nước ở khu vực châu Á trong năm qua lên thành 1,48%, là mức cao nhất kể từ năm 2010 cho đến nay. Báo cáo của tổ chức có trụ sở tại London này cũng khẳng định, Trung Quốc là nước dẫn đầu xu hướng khi chiếm đến 41% tổng chi tiêu quân sự ở khu vực, cao hơn rất nhiều so với nước đứng thứ 2 là Ấn Độ với 13,5% và Nhật Bản là 11,5%. 
Chuyên san IHS Jane dự báo chi tiêu quân sự hàng năm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020 sẽ đạt mức 533 tỉ USD từ mức 435 tỉ USD của năm 2015. 
Nhà phân tích chính của IHS Jane’s Craig Caffrey cũng cho hay, hiện vẫn không có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ dừng lại. Ngân sách quốc phòng của nước này dự kiến sẽ đạt 225 tỉ USD vào năm 2020. Năm 2015, con số này là 191 tỉ USD, tăng 43% so với năm 2010.
Theo báo cáo của SIPRI, tham vọng của Trung Quốc không chỉ tác động tới chi tiêu quân sự của các nước trong khu vực. Lầu Năm Góc của Mỹ cũng đang tăng cường chi tiêu cho các thiết bị công nghệ cao để đảm bảo lợi thế cạnh tranh về mặt quân sự với Trung Quốc và Nga. Trong tổng đề nghị ngân sách quốc phòng 582,7 tỉ USD cho năm tài khóa 2017 vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ gửi tới Quốc hội nước này bao gồm 6,7 tỉ USD chi cho phòng thủ mạng trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các hành động của Trung Quốc./.

Đọc thêm