Tham vọng đưa OCOP ra toàn cầu…

(PLVN) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần định hình được thương hiệu nhưng khai thác các sản phẩm như thế nào lại đang là vấn đề được quan tâm, thậm chí đã xuất hiện những mong muốn đưa OCOP ra toàn cầu…
Sản phẩm OCOP vẫn đang gặp khó đầu ra dù nhu cầu khá lớn

Liên kết để tạo sản phẩm quy mô lớn

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới (Bộ NN&PTNT), hiện 59/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã có quyết định phê duyệt tổng số sản phẩm (SP) dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 đạt hơn 3.800 SP. Trong đó, nhiều nhất là nhóm thực phẩm với 2.182 SP, sau đó là nhóm lưu niệm, nội thất trang trí với 665 SP… Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối cho rằng, đây là số lượng khá lớn và việc tìm đầu ra cho các SP này cần phải có chiến lược rõ ràng. 

Theo ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt, việc quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho các SP trong OCOP là công việc quan trọng nhưng các hộ sản xuất và DN làng nghề vẫn chưa chú ý đúng mức. Hiệp hội đã vận động các hộ sản xuất và DN làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, thi SP thủ công mỹ nghệ tại các vùng miền và toàn quốc để vừa tìm đầu ra vừa quảng bá được thương hiệu của mình đi các vùng miền.

Đặc biệt, theo ông Đạt, cần khuyến khích các DN làng nghề xuất khẩu SP ra nước ngoài theo đường chính ngạch. Trong những năm gần đây, nhiều SP làng nghề đã tham gia vào chuỗi sản xuất để đưa ra những SP có giá trị gia tăng cao. Ví dụ, nhiều DN, hộ sản xuất làng nghề đã thiết kế mẫu mã SP bám sát thị hiếu của thị trường, thay đổi mẫu mã nhanh như be đựng nước chấm, đĩa gia vị hình vỏ củ lạc khi xuất khẩu sang Nhật. 

Trong khi đó, ông Lê Văn Nghị, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, các SP OCOP cần liên kết lại để tạo ra quy mô lớn hơn, đủ điều kiện để nhận đặt hàng các đơn hàng lớn. “Hiện nay là kết nối toàn cầu, quy mô quyết định hiệu quả, do đó các OCOP cần liên kết để tạo ra các SPOCOP đủ lớn. Khi có quy mô lớn sẽ được quyết định cung - cầu, giá cả. Liên kết giữa các OCOP là điều tiên quyết để tạo ra những SP có sức vươn ra ngoài tầm quốc gia” - ông Nghị nói. 

Đừng để… “cọc đi tìm trâu”

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó TGĐ Center Retail (đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Big C) cho rằng, SP OCOP không là một hàng hóa thông thường mà mang nhiều giá trị văn hóa địa phương nên không thể đối xử với các SP này như đối với hàng hóa của các DN, tập đoàn lớn. Big C đã thành lập riêng một đội thu mua chuyên về các SP OCOP. Tại hệ thống Big C, SP của địa phương như mỳ chũ Bắc Giang, miến dong Bình Liêu… thuộc nhóm tiêu thụ mạnh.

Do đó, cơ hội để các SP này có thể vươn ra toàn cầu là có sơ sở. Tuy nhiên, phải cần có rất nhiều bàn tay chụm vào cùng giúp, nâng để đẩy các SP này vượt biên giới Việt Nam, ít nhất là giúp những chủ sở hữu các SP OCOP trong việc xây dựng tiêu chuẩn để có thể vào các siêu thị hiện đại. 

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) chia sẻ rằng họ đã từng phải đóng vai “cọc đi tìm trâu”. Là nhà tiêu thụ SP nhưng VNA lại phải đi tìm các nhà cung cấp để có thể “đưa Việt Nam đến với thế giới”. Mục tiêu của VNA là đưa được nhiều nhất đặc sản của Việt Nam lên máy bay nhưng không dễ do tiêu chuẩn lên máy bay khắt khe hơn so với việc vào các mô hình tiêu thụ dưới mặt đất. Đại diện VNA khẳng định, họ mong có thể ngồi cùng các nhà cung cấp để cùng bàn bạc và cùng “chốt” tiêu chuẩn của từng SP. 

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương) cũng cho biết, khoảng 130 triệu khách lượt quốc nội và 30 triệu khách quốc tế qua các sân bay Việt Nam chính là tiềm năng lớn cho các đặc sản vùng miền giới thiệu với du khách. Ông cần nguồn hàng lớn để cung cấp vào các cửa hàng miễn thuế, gian hàng quà tặng ở sân bay vì cần thay đổi mặt hàng mỗi tuần nhưng chưa thể tìm được dù đã làm việc với nhiều nhà cung cấp do yêu cầu số lượng và chất lượng kỹ càng.

Ngoài ra, ông Hạnh Nguyễn còn “mách nước”, các SP của Việt Nam chưa thu hút được khách hàng là do các nhà sản xuất chưa xây dựng các thương hiệu mang tầm quốc tế. Nhiều đặc sản vùng miền hiện nay trên bao bì không ghi rõ thương hiệu Việt Nam mà chỉ đề tên nhà sản xuất khiến cho hiệu quả truyền thông và quảng bá không cao, trong khi với khách quốc tế, họ quan tâm nhiều nhất đến tên quốc gia hiện hữu trên các SP. 

Rõ ràng, chương trình OCOP đang mang lại sự thay đổi tại mỗi làng quê trên khắp cả nước. Các SP OCOP cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều DN, siêu thị, thậm chí đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, nhưng để có thể hình thành một hệ thống OCOP vươn ra toàn cầu vẫn là một thách thức không nhỏ.

Đọc thêm