Ông Chuẩn là Đại biểu Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh). Trước khi kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra, người đứng đầu ngành Than đã về tiếp xúc cử tri tại nơi mà ông nói cách đây nhiều năm, ông đã có “hai năm ướt áo trong hầm lò”. Ở đây, ông Chuẩn đã ghi nhận được thực trạng nói trên.
Đầu tư dè chừng…
Mới đây, trả lời PLVN về câu chuyện 12 triệu tấn than tồn kho đang được dư luận quan tâm, Chủ tịch TKV nói phần nhiều là do cơ chế, thậm chí ông Chuẩn không ngần ngại khi nói rằng, cách điều hành xuất, nhập than như hiện nay đang “gián tiếp tạo công ăn việc làm cho lao động nước khác...”.
Đại ý ông Chủ tịch muốn nói, công nhân ngành Than đang “đói” việc vì cung cách cách quản lý, điều hành sản phẩm năng lượng như hiện tại.
“Công nhân mỏ ở Quảng Ninh đang có khoảng 8 vạn người, nhưng họ đang mất dần công việc, kéo theo đó là thu nhập gia đình của những người này cũng ít đi trông thấy. Điều này đang tạo áp lực cho an sinh xã hội trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh”, ông Chuẩn dẫn chứng.
Theo vị đại diện ngành Than, trong khi Nhà nước vẫn giao cho ngành này khai thác sản lượng lớn nhưng bên cạnh đó lại vẫn cho nhập khẩu than với số lượng ồ ạt - khiến cho than trong nước không bán được, phải chất đầy kho.
Cụ thể, theo quy hoạch, thì năm nay Việt Nam chỉ nhập 1,5 triệu tấn, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2016, con số nhập khẩu than là khoảng 10 triệu tấn - vượt xa so với quy hoạch nói trên, với khoảng gần 50 đầu mối nhập khẩu.
Từ thực tế đó, theo Chủ tịch Chuẩn, đã dẫn tới hệ lụy là TKV phải dè chừng trong việc đầu tư làm ăn. “Than khai thác ra không bán được, TKV đâu dám đầu tư mỏ mới. Mà kinh phí đầu tư cho một dự án mỏ là rất đắt - ít cũng phải 10 ngàn tỷ đồng, và phải trong khoảng 7 năm mới cho ra được sản phẩm”, ông Chuẩn nói thêm.
Ông Chuẩn tiếp xúc cử tri |
Bà bán rau... giảm thu nhập!
Chúng tôi cũng đã hỏi ông Chuẩn với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông giải thích như thế nào với cử tri về thực trạng nói trên, thì ông đáp: “Hôm 5/10, trước khi diễn ra kỳ họp, tôi có đến Hạ Long, Cẩm Phả và đã ghi nhận được đời sống ở đây khó khăn hơn trước, nhất là vùng Cẩm Phả.
Hỏi nhiều bà bán rau, thì nói trước bán được 10 mớ, giờ chỉ bán được dăm ba mớ thôi. Ngành Than khó khăn, đời sống công nhân khó khăn đã có tác động như thế.”.
Theo ông Chuẩn, ngành Than đang chấp nhận “sân chơi” của cơ chế thị trường, nhưng lại đang phải đối mặt với sự mâu thuẫn từ chính cơ chế, chính sách bất hợp lý của Nhà nước. Đó là sự áp đặt giá bởi than xuất khẩu thì bị đánh thuế cao (gần 30%) trong khi than nhập khẩu lại chỉ 0%...
Thực tế dẫu có là như vậy, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Than chỉ việc “múc” lên bán, tại sao thời gian gần đây, ngành này làm ăn có dấu hiệu lao dốc?
Xung quanh vấn đề này, người đứng đầu Tập đoàn TKV phân trần rằng, để “múc” được than thì phải đầu tư máy móc, kỹ thuật… chứ không thể hiểu theo nghĩa đào, múc thông thường mà có. “Lấy được 1 tấn than lộ thiên thì cần phải bóc tới 11 mét khối đất đá. Để sản xuất ra 1 tấn than thì phải bỏ chi phí ra khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Chuẩn nói thêm.
Cũng theo vị này, lấy được than từ lòng đất là không hề dễ dàng, đôi khi còn phải đánh đổi cả tính mạng. Sáu tháng đầu năm, ngành này mất hơn 10 công nhân do tai nạn lao động. “Làm ra một tấn than, không chỉ mất mồ hôi, nước mắt mà còn cả máu!”, lời ông Chuẩn.
Khó khăn là vậy nhưng thực tế công ăn việc làm của công nhân ngành Than cũng không phải là đơn giản, thậm chí như đã nêu, ngay cả những bà hàng rau vùng đất mỏ cũng bị tác động “lây”... Hệ quả này, liệu có phải là hoàn toàn do cơ chế như lý giải, viện dẫn của đại diện TKV?
Bỏ than đi bóc mủ cao su
PLVN đã hỏi chuyện một số công nhân lao động trong ngành Than ở Quảng Ninh và được biết, do đời sống khó khăn nên nhiều người đã bỏ ngành này, đi theo ngành khác. “Chúng tôi quê ở Bắc Giang, xuống Quảng Ninh làm công nhân than. Do khó khăn nên chúng tôi đã bỏ việc để về đi làm nghề bóc mủ cao su”, một cựu công nhân ngành Than cho hay.
Được biết, trước tình hình kinh doanh khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm..., TKV đã phải tính chuyện cắt giảm khoảng 4.000 lao động trong năm nay.