Giấu nhẹm từ thai nghén đến HIV…
Chị Nguyễn Thị Phê (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lập gia đình khi đang làm thợ may cho một nhà may tư nhân. Bắt đầu có thai, nghe lời khuyên của bạn bè, chị xin nghỉ việc để đầu quân cho một doanh nghiệp (DN) may công nghiệp dù lương thấp hơn chỗ làm cũ. Lý do rất đơn giản là vào DN làm từ những tháng đầu thai kỳ đến khi nghỉ sinh chị sẽ có hơn 6 tháng tham gia bảo hiểm xã hội thì lúc sinh sẽ nhận được nhận 6 tháng lương cơ bản cộng với chế độ khác cũng được một món tiền.
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi, lao động nữ mang thai sẽ được hưởng thời gian lao động ít hơn, thời gian nghỉ thai sản tăng thành 6 tháng. Và lao động nữ mang thai và sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu có tham gia bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Quy định này đã khiến cho nhiều phụ nữ mang thai ở thời kỳ đầu đã cố gắng… giấu nhẹm tình trạng mang thai để xin việc với mong muốn sẽ có 6 tháng tham gia bảo hiểm xã hội từ đó có thêm khoản tiền lo liệu cho thời gian ở cữ. Thế nên đã có chuyện khi vào làm việc, vì không biết có thai nên lao động nữ được giao làm một số công việc nặng như khiêng giỏ hàng, đẩy xe mà không dám từ chối vì sợ… “bị lộ”. Và cũng đã có người bị sảy thai vì thế.
Mới đây, thông tin rộ lên câu chuyện nữ công nhân che giấu tình trạng nhiễm HIV do lo sợ bị đuổi việc. Chị Lê Thị Như (33 tuổi, ở Tứ Kỳ, Hải Dương) bị nhiễm HIV từ chồng năm 2006. Chị đang được điều trị bằng thuốc ARV và cảm thấy sức ổn định, có thể làm việc bình thường. Hiện chị Như đang làm công nhân cho một công ty tư nhân tại khu công nghiệp cách nhà 10km với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Nữ công nhân này cho biết, ở địa phương hầu như ai cũng biết vợ chồng chị nhiễm HIV. Nhưng tại công ty, chị phải giấu bệnh, bởi nếu thông tin lộ ra chị sẽ bị buộc thôi việc; nếu không cũng bị đồng nghiệp xa lánh, không được giao việc và phải tự nguyện xin nghỉ. Khó khăn trong công tác điều trị của chị Như đó là những lần đi lấy thuốc, thăm khám, chị phải xin nghỉ việc. Để không bị phía công ty nghi ngờ, chị phải viện nhiều lý do như con đi viện, chồng ốm, đưa bố đi khám bệnh… “Những phụ nữ nhiễm HIV chỉ mong muốn xã hội chấp nhận và tạo cho chúng tôi cơ hội việc làm. Nếu thất nghiệp, chúng tôi chẳng biết kiếm đâu tiền để nuôi gia đình và chữa bệnh” – chị Như đã giải thích với báo chí nguyên nhân của việc mình giấu tình trạng sức khỏe bản thân như thế.
Doanh nghiệp sợ vì nhiều lý do
Lao động nữ thường được đánh giá là tạo ra một sự ổn định thật sự cho DN vì gắn bó lâu dài với DN, tạo ra nền nếp và kỷ luật của DN. Thế nhưng, rất nhiều DN lại… sợ lao động nữ. Vì sao? Thực tế ở nhiều DN may mặc và điện tử (phổ biến sử dụng nhiều lao động nữ) cho thấy khi lao động nữ nghỉ thai sản mặc dù cơ quan BHXH mới là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm chi trả và giải quyết các chế độ khác cho lao động nữ nghỉ thai sản, nhưng việc nhận lao động nữ có thai đã có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN như: phải giảm giờ làm thực tế cho lao động nữ có thai ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, giải quyết chế độ thăm khám thai định kì theo luật; tìm người thay thế trong thời gian lao động đó nghỉ thai sản. Vì pháp luật lao động không quy định cụ thể việc có tuyển dụng lao động nữ có thai hay không mà hoàn toàn do các DN tự quy định nên không ít DN đã áp dụng quy trình sàng lọc những lao động nữ có thai (phát que thử thai để nhân viên y tế kiểm tra khi khám sức khỏe tuyển dụng; khi được nhận vào thử việc vẫn bị theo dõi, phát hiện xem có thai hay không) trước khi ký hợp đồng chính thức.
Đối với trường hợp lao động nữ bị nhiễm HIV cũng vậy, trả lời báo chí, bác sĩ Đoàn Hồng Minh - Trưởng phòng truyền thông – Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết, theo thống kê của Trung tâm, số lượng nữ công nhân trên địa bàn nhiễm HIV là có, nhưng không thể ước lượng được con số cụ thể. “Vì sự kỳ thị của giới chủ sử dụng lao động đối với người nhiễm là rất lớn. Khi biết người công nhân dương tính với HIV thì chắc chắn bằng mọi cách họ sẽ thải hồi. Thực tế đã có người bị sa thải, do đó người nhiễm phải giấu bệnh” - bác sĩ Đoàn Hồng Minh lý giải.
Theo pháp luật lao động, lao động nữ cũng được hưởng các chế độ khác như 60 phút cho con bú, 30 phút vệ sinh kinh nguyệt… Thống kê mới nhất của Ban nữ công – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho thấy tại các DN số lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít; một số chế độ thai sản như nghỉ 60 phút cho con bú, 30 phút vệ sinh kinh nguyệt bị vi phạm. Không chỉ ít thực hiện quy định này mà đây còn là lý do khiến DN thêm e ngại với lao động nữ.