Thận trọng khi 'sân khấu hóa' di sản văn hóa phi vật thể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cố GS. Ngô Ðức Thịnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, lúc sinh thời đã đưa ra nhận xét, “sân khấu hóa” các di sản văn hóa là cách “truyền thống tìm cách bước chân vào xã hội hiện đại” nhằm giúp cho sự hồi tưởng của người xem. Tuy nhiên, nếu việc này bị lạm dụng thì không phù hợp.
Di sản cần “sống” trong không gian văn hóa phù hợp. (Nguồn: Internet)
Di sản cần “sống” trong không gian văn hóa phù hợp. (Nguồn: Internet)

Đừng làm sai lệch di sản

Những giá trị độc đáo của các di sản văn hóa phi vật thể là nguồn hấp dẫn mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước tới địa phương để tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thưởng thức, đặc biệt với các di sản được UNESCO ghi danh như: nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật bài chòi, dân ca quan họ, cồng chiêng Tây Nguyên… Điều này đã góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng làm cho những bối cảnh thực hành văn hóa có nhiều biến đổi. Đã có nhiều trường hợp, văn hóa bị tách ra khỏi cộng đồng và “được” quyết định những hình thức thực hành bởi các văn bản hành chính trong khi những giá trị làm nên “hồn cốt” của di tích, di sản bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ qua.

Tại Hội thảo “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL tổ chức cuối tháng 8 vừa qua tại Bảo tàng Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như: nhận thức hạn chế và không đồng đều của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền; một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia, quốc tế mà thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập; chưa nhận diện, nắm bắt kịp thời các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản...

Gần đây, nghi thức hầu đồng trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị biến tướng. Tại Hội thảo trên, GS Trần Lâm Biền cho rằng, việc đưa một vài thành tố của thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ lên không gian sân khấu để biểu diễn không vấn đề gì. Tuy nhiên, người đạo diễn hoặc tổ chức biểu diễn phải hiểu thấu được đạo Mẫu để không làm sai lệch hoặc biến tướng những thành tố đó. “Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng cần có những quy định rất chặt chẽ đối với việc quảng bá di sản. Trước khi tiến hành quảng bá di sản, phải hiểu được cặn kẽ di sản và biết ứng xử đúng khuôn phép. Đừng biến việc quảng bá di sản trở thành giải tỏa những nhu cầu tầm thường của đời sống”, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Di sản không tách khỏi môi trường tồn tại quen thuộc, nên không thể đem di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ra khỏi đền phủ để biểu diễn. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng - thủ nhang đền Nguyên Khiết Linh Từ (Hà Nội) đồng quan điểm, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật nên phải thực hiện trong không gian đền đài, điện, phủ. Nếu đưa hầu đồng ra khỏi không gian thiêng để biểu diễn là không đúng với khái niệm “thực hành di sản”.

Để di sản “sống” trong không gian văn hóa

Ngoài tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hát then - đàn tính, quan họ, cồng chiêng… cũng được đưa lên sân khấu. Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu cho rằng, các tiết mục biểu diễn chỉ là một bộ phận cấu thành, không phải di sản văn hóa phi vật thể hoàn chỉnh bởi nó không có không gian nguyên thủy. Do đó, trên sân khấu nên hạn chế dùng các cụm từ như: “Liên hoan thực hành di sản” mà chỉ nên dùng: “Liên hoan nghệ thuật hát then - đàn tính”, “Liên hoan biểu diễn cồng chiêng”…

Không gian văn hóa cồng chiêng cũng bị biến tướng khi nhiều người lầm tưởng chỉ là vài tiết mục được tổ chức do người dân, các em thiếu niên trình diễn cho khách du lịch. Lớp trẻ chủ yếu học đánh chiêng để phục vụ du lịch, đánh chiêng khi có đoàn khách yêu cầu chứ không như đánh chiêng trong buôn xưa mỗi khi có việc vui hay buồn. Kiểu học và đánh chiêng dễ dãi như chỉ cần thuộc vài bài, vô hình trung đã “loại” lớp trẻ ra khỏi những nghi lễ đánh chiêng theo truyền thống của cộng đồng là thực hành trong các ngày lễ, hiếu, hỉ. Lại có nơi tổ chức hàng nghìn người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ, số người tham gia vòng xòe “đạt kỷ lục Guiness”… đã làm sai lệch, làm thay đổi bản chất của di sản, lễ - hội cả từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức thực hành. Đạt kỷ lục không phải là cách bảo tồn di sản theo tiêu chí của UNESCO.

Ở góc độ nghiên cứu khoa học, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ hơn. Đóng vai trò quan trọng ở đây trước hết là các nhà khoa học với những hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am tường về di sản. Họ phải là đội ngũ có tiếng nói tích cực, giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của di sản đến với dân chúng và phổ biến cách thức thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống.

Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đại chúng - công cụ hữu hiệu trong việc tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện tích cực, đồng thời điều chỉnh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, trục lợi, thương mại hóa di sản, vi phạm các thuần phong, mỹ tục…

Tính đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đồng thời, đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước.

Đọc thêm