Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên LHQ, được tiên hành định kỳ từ 4 đến 5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng.
Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn nghiêm túc trong xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như trong triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ I (2009) và chu kỳ II (2014).
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát trước, cập nhật luật pháp và chính sách liên quan đến quyền con người, thông tin về những kết quả bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực và rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận ở chu kỳ II.
Báo cáo cũng xác định những ưu tiên cam kết của Việt Nam trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175/182 khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ II (chiếm 96,2%). 7 khuyến nghị còn lại đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Báo cáo đề cập đến một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp 2013 và sửa đổi ban hành mới trên 90 văn bản luật có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%).
63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Về bình đẳng giới, tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt 26,71%.
“Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet…Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về tình hình người Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra tại Pháp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, ngay từ khi xảy ra các vụ việc biểu tình, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thường xuyên theo dõi tình hình, cử người túc trực đường dây nóng để địp thời hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp gặp khó khăn.
Bộ Nội vụ Pháp thông báo đến nay không có trường hợp người nước ngoài nào bị ảnh hưởng trong các vụ việc trên. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng bởi các vụ biểu tình.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết, đồng thời có hình thức phù hợp khuyến cáo công dân Việt Nam lưu ý, tránh đến các khu vực xảy ra biểu tình.
“Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp theo số +33-01-44146400 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân theo số +84-981-848484”, bà Hằng nói.
Về việc Hàn Quốc áp dụng quy định visa mới cho công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định này của phía Hàn Quốc và cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi và giao lưu nhân dân giữa hai nước, thúc đẩy du lịch, hợp tác thương mại, đầu tư, qua đó góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc”.