Tháng 6/2024, Bộ Tư pháp quyết tâm hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

(PLVN) - Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam.
Tháng 6/2024, Bộ Tư pháp quyết tâm hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

* Thưa Bộ trưởng, nhìn lại kết quả công tác năm 2023, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

- Bộ trưởng Lê Thành Long: Có thể nói năm 2023 là một năm rất nhiều thách thức với đất nước nói chung, với Bộ, ngành Tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, sự vào cuộc hết sức quyết liệt, lăn xả vào công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, sự đồng hành của các cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân và đặc biệt là sự quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trước hết, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chúng ta đã tham gia hết sức tích cực vào thẩm định, góp ý kiến, trực tiếp tham gia với các ban soạn thảo, tổ biên tập tại các diễn đàn khác nhau. Từ đó, Quốc hội đã ban hành những đạo luật rất cơ bản như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và một loạt luật khác trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Đối với Bộ, ngành Tư pháp, chúng ta cũng đã và đang sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến quản lý ngành. Trong đó, phải kể đến Luật Thủ đô, Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng - là những đạo luật quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp.

Thứ hai, một công việc có kết quả tương đối rõ nét, có thể lượng hóa được là chúng ta giữ vai trò thường trực Tổ công tác của Chính phủ xây dựng Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ rất nhiều nguồn khác nhau, chúng ta đã hình thành, xây dựng báo cáo Quốc hội, đã rà soát trong một thời gian rất ngắn được hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật, dù công việc rất thách thức nhưng đã chỉ rõ được từng quy định vướng mắc, bất cập. Khi báo cáo Quốc hội đã nhận được sự đồng tình rất cao, từ cách làm của tổ rà soát mà Bộ Tư pháp làm thường trực đến kết quả đạt được. Qua rà soát, tạo nền móng để xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tập trung xử lý, giảm bớt vướng mắc, bất cập, tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính rườm rà, không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm chậm quá trình phát triển.

Thứ ba, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả về việc, về tiền cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, số tiền thu hồi được trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, các vụ án nói chung và các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo nói riêng được trên 20 nghìn tỷ, so với năm 2022 là vượt khoảng 5 nghìn tỷ.

Thứ tư, chúng ta đã sắp xếp tổ chức bộ máy ổn định về con người, nhân sự. Sau khi Nghị định 98 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được ban hành, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã soạn thảo, ban hành các quyết định sắp xếp bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, đồng thời có kế hoạch cụ thể và trên thực tế đã sắp xếp được một bước công tác cán bộ.

Cuối cùng, chúng ta đã cố gắng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin dù gặp nhiều thách thức. Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Đề án 06, từ việc Bộ Tư pháp được giao rà soát một số văn bản có tính chất liên ngành, trình nhiều báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành có cơ sở xem xét sửa đổi, bổ sung các luật nhằm đáp ứng được các nhiệm vụ được giao của Đề án 06. Có thể kể đến là Bộ Tư pháp đề xuất tiếp tục cắt giảm các thủ tục đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính rườm rà, bảo đảm thuận lợi thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.

Riêng với Bộ, ngành Tư pháp, chúng ta đã cố gắng xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối tương đối thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp sẽ quyết tâm chủ trì trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Đề án 06, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quá trình giao dịch, cung cấp dịch vụ công ích trong ngành Tư pháp cho người dân sẽ nhanh chóng hơn.

* Năm 2024 là một năm bản lề, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhưng dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy Bộ, ngành Tư pháp đã đề ra phương hướng, giải pháp nào để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Lê Thành Long: Theo đánh giá chung, năm 2024 còn nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp ý thức rất rõ điều này và sẽ tập trung cao độ, đồng hành để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 và những năm cuối cùng của nhiệm kỳ này.

Việc đầu tiên chúng ta phải làm và đã làm là nghiên cứu kỹ các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội để rà soát ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của ngành trong năm 2024.

Công tác chỉ đạo, điều hành sẽ tiếp tục cố gắng đổi mới. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trong ngành Tư pháp từ trước đến nay nhìn chung rất đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, nhất là “đón” việc ngay từ đầu, đề ra việc cần làm trong thời gian tới. Nhưng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tôi cho rằng cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa, xác định rõ thứ tự ưu tiên, định hướng giao cho ai, đơn vị nào chủ trì để các cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc được nhanh.

Về công tác chuyên môn, trước hết, trong công tác xây dựng pháp luật, đối với các văn bản, các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… vừa nêu trên thì chúng ta cần phối hợp với các Bộ, ngành để lên kế hoạch thực hiện vì hầu hết các luật hiện nay liên quan đến quản lý liên ngành. Ví dụ Luật Đất đai liên quan rất nhiều đến Bộ Tư pháp, như vấn đề công chứng chẳng hạn, đòi hỏi chúng ta phải tham gia tích cực để có kế hoạch thực hiện và cùng đồng hành với các Bộ, ngành thực hiện các luật đó. Đối với những luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, có luật Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu như Luật Thủ đô, Luật Đấu giá tài sản thì sẽ tiếp tục phối hợp với các Ủy ban có liên quan của Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội; có một số luật sẽ trình Quốc hội lần đầu.

Thứ hai, về Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, còn hai công việc chúng ta phải tiếp tục làm. Cụ thể, đối với văn bản đã được phát hiện, Quốc hội giao tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Quan trọng hơn là có một số văn bản từ luật đến thông tư đã phát hiện có vướng mắc, bất cập, chồng chéo thì cần sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề xuất của tổ công tác.

Đối với Bộ, ngành Tư pháp, chúng ta đã có kế hoạch kết hợp sửa đổi, bổ sung những luật có vướng mắc, chồng chéo trong các luật đã và đang trình vừa qua. Trường hợp vướng mắc nằm trong các quy định của nghị định, thông tư, chúng ta sẽ áp dụng dùng một văn bản sửa nhiều văn bản. Quyết tâm của Bộ Tư pháp là đến tháng 6/2024, tất cả yêu cầu đặt ra trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục giao dịch, điều kiện kinh doanh sẽ được hoàn thành và báo cáo kết quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo các đồng chí lãnh đạo.

Thứ ba, chúng ta tham gia, tiếp tục đề xuất cải tiến quy trình xây dựng pháp luật. Về công tác thi hành án dân sự, mục tiêu đặt ra là đạt kết quả cao về việc, về tiền, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 có rất nhiều đại án, đòi hỏi chúng ta phải tập trung, có kế hoạch thực hiện ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống Thi hành án dân sự cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự.

Thứ tư, về việc ứng dụng công nghệ thông tin, trước mắt chúng ta phải có báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Đề án 06. Với các công việc mà Bộ, ngành Tư pháp phải làm như tiếp tục củng cố, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về hộ tịch; các thủ tục liên thông, Bộ Tư pháp phải tự hoàn thiện về mặt thể chế, về cơ sở, trang thiết bị, về kỹ thuật, phần mềm để cùng các Bộ, ngành thực hiện các thủ tục liên thông.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và xin chúc Bộ trưởng cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng!

Bộ trưởng Lê Thành Long: Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, xin được một lần nữa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác đã đạt được trong năm 2023 vừa qua của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Tư pháp. Xin chúc tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Tư pháp một năm mới mạnh khỏe, công việc hanh thông hơn, kết quả đạt được nhiều hơn, vạn sự an lành và hạnh phúc trong cuộc sống. Xin trân trọng cảm ơn!

Đọc thêm