Thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng

(PLVN) - Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp.

Chiều nay, 15/4, tại Phiên họp thứ 32, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã trình QH, UBTVQH cho ý kiến đối với 16 dự án luật và thông qua 21 dự án, dự thảo.

Về tình hình thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của QH, các Nghị quyết điều chỉnh Chương trình của UBTVQH, trong năm 2024, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình QH, UBTVQH 23 dự án, dự thảo.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 QH đã xem xét, thông qua 3 dự án, dự thảo. Do đó, năm 2024, Chính phủ còn phải phối hợp chỉnh lý, xây dựng mới, trình QH 20 dự án, dự thảo.

Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh tổ chức các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình đều được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến rồi mới trình Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết trước khi trình QH, UBTVQH.

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các bộ tập trung thực hiện quyết liệt, khẩn trương và kịp thời các chỉ đạo, kết luận, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế.

Việc thực hiện, đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được bảo đảm liên tục, hiệu quả, bám sát yêu cầu tại Kết luận của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ lập pháp được định hướng trong nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, chủ động, phối hợp với các bộ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương lập đề nghị xây dựng các dự án luật được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, còn một số đề nghị xây dựng luật Chính phủ trình nhưng chưa được UBTVQH chấp thuận bổ sung vào Chương trình.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan, khi lập đề nghị xây dựng luật, cơ quan được giao chủ trì chưa lường trước được những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là đối với một số dự án luật có nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến xã hội; chưa thực sự quan tâm đầu tư thời gian, nguồn lực thực hiện; tính dự báo chưa cao khi đề xuất các dự án, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế.

Hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ QH

Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị được lập trên cơ sở 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của QH, UBTVQH; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;…

Thứ ba, đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ QH.

Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), đề nghị bổ sung đối với 8 dự án.

Trên cơ sở đề nghị điều chỉnh, bổ sung các dự án, dự thảo này, Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với Chương trình đã được QH, UBTVQH thông qua. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trình QH 20 dự án, dự thảo; tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình QH 19 dự án; đồng thời bổ sung vào Chương trình của UBTVQH đối với dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, trên cơ sở nguyên tắc đã nêu, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sẽ trình 17 dự án và ại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) sẽ trình 9 dự án.

Đọc thêm