Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 4,63 tỷ USD, giảm 11%. So với mức giảm trên 21% trong 5 tháng, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đang có tín hiệu cải thiện tốt. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Hiện 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất của ngành nông nghiệp gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (thặng dư 4,95 tỷ USD, giảm 27,9%); cà phê (thặng dư 2,33 tỷ USD, tăng 2,1%); hàng rau quả (thặng dư 1,85 tỷ USD, tăng 2,3 lần); gạo (thặng dư 1,84 tỷ USD, tăng 36,3%); tôm (thặng dư 1,28 tỷ USD, giảm 36,6%).
Bên cạnh đó, ngành có 5 mặt hàng có thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu (thâm hụt 1,97 tỷ USD, giảm 4,6%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt (thâm hụt 1,45 tỷ USD, tăng 14,2%); bông các loại (thâm hụt 1,43 tỷ USD, giảm 21,3%); ngô (thâm hụt 1,21 tỷ USD, giảm 23,7%); lúa mì (thâm hụt 993 triệu USD, tăng 19,9%).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản và lâm sản chính vẫn chứng kiến sự sụt giảm sâu với mức lần lượt đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% và 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%.
Đến nay, ngành nông nghiệp mới có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Riêng gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, còn cà phê tuy giảm về khối lượng (giảm 2,2%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.