Với chủ đề: “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu”, VBF 2018 đã chính thức diễn ra ngày hôm nay (4/12). Đây là cơ chế đối thoại quan trọng giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN trong nước và quốc tế, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là chất keo kết dính các ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của DN với chính sách của Chính phủ.
Dư địa cải cách còn rất lớn!
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, đồng chủ tịch VBF 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn báo cáo khảo sát ý kiến của gần 1.200 CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC. Theo đó, năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Sau Việt Nam, trong Top 5 còn có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia và Thái Lan. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này, 34 – 40% DN ở Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
“Thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và Cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh tạo ra những động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Theo ông Lộc, cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
“Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến tháng 9 năm 2018, vẫn có tới 58% DN (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% DN trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…” - TS Lộc dẫn chứng và theo ông, khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn….
Doanh nghiệp - Phải phát huy lợi thế cạnh tranh!
|
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Chỉ có sự thành công của cộng đồng DN mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới…” |
Lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông cảm nhận “ngọn lửa nhiệt huyết trong các DN vẫn không ngừng cháy bỏng”.
“Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa” - Thủ tướng bày tỏ.
Ngay tại Diễn đàn, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.
Với chủ đề của Diễn đàn “Sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu”, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. “Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích.” - Thủ tướng ví von.
Với 16 FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán trong 3 thập niên đổi mới của Việt Nam, các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, theo Thủ tướng, đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các DN có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất!” - Thủ tướng phát biểu và cho rằng nếu các DN không nhìn thấy và phát huy được lợi thế so sánh của mình thì sẽ rất khó cạnh tranh và thành công.
“Trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi DN không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể thành công…” - Thủ tướng khích lệ.
Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên, đó là: Sự nỗ lực của các DN Việt Nam: Sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các DN FDI; và Vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ.
“Tất cả các DN đều có những lợi thế so sánh. Nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, DN đã thành công một nửa. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân các DN cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa…” - Thủ tướng đánh giá.
Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách DN Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn….”
Ngay tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo,,,
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hồi tháng 9/2018 là “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt để trở thành một quốc gia hùng cường không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong những thập niên tới”, Thủ tướng nhấn mạnh: ”Chỉ có sự thành công của cộng đồng DN mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới…”.
“Nhà đầu tư cần sân chơi bình đẳng…”
Các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. AmCham khuyến cáo rằng chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay. Các DN Việt Nam và DN được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển, và như bạn biết rõ, điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch…
* TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:
“Cộng đồng DN sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ…”
Mặc dù Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả cải cách vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và những nỗ lực cải cách vẫn cần phải được gia tốc mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nếu chúng ta không muốn tụt hậu so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Và vì vậy, chúng tôi ủng hộ các chương trình cải cách quyết liệt hơn của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ trong đó có hai mũi giáp công rất quan trọng là việc cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà và thực hiện chính phủ điện tử. Cộng đồng DN sẵn sàng sát cánh với các cơ quan chính phủ trong những nỗ lực cải cách này.