Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, Thanh Hoá là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong cả nước sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, đưa cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới.
“Hội nghị là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan toả lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế cả nước và tỉnh Thanh Hoá chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt khó để thúc đẩy phát triển” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Thể hiện thông điệp “đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng khẳng định cam kết sẽ đồng hành với với tỉnh Thanh Hóa, đồng hành cùng DN trong quá trình phát triển.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc biến những tiềm năng thành hiện thực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thay đổi tư duy từ quản lý DN sang hỗ trợ DN cung như quan điểm của lãnh đạo tỉnh: “Thành công của DN chính là thành công của tỉnh"
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Thanh Hóa là một tỉnh lớn của cả nước về diện tích và dân số (đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số) trong số các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một trong số ít địa phương hội tụ đủ những đặc điểm riêng có của một đất nước: có biển, có núi, đồng bằng, trung du, biên giới, bản sắc đa dạng và phong phú.
Đặc điểm tự nhiên này là cơ sở quan trọng để tạo dựng nên những tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Đó là: Vị trí địa lý; Cơ sở hạ tầng; Tài nguyên và đất đai; Du lịch; Nguồn nhân lực.
Sự phát triển của hạ tầng khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) của Thanh Hóa cũng đang tạo ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh. KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ lựa chọn là một trong 8 KKT ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. KKT Nghi Sơn có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển trở thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 08 KCN, trong đó có 05 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng KCN Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha và khu đô thị sân bay, với diện tích khoảng 3.000 ha, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6 - 6, gồm:
- 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: Thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng.
- 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị.
- 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Bắc Nam, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Đông Bắc, Hành lang kinh tế trung tâm, và hành lang kinh tế quốc tế.
- 6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội dùng chung hiệu quả hơn cho từng vùng.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa , đây là định hướng để Thanh Hóa thu hút đầu tư để đảm báo phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương…
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 có 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Trong đó: có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD. Đây là những dự án tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư.
Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu ta đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.