Thanh Hoá: Hiệu quả từ công tác hoà giải cơ sở

(PLVN) - Từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận khoảng 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82%, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân.
Thanh Hoá: Hiệu quả từ công tác hoà giải cơ sở

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Thanh Hoá, trên địa bàn tỉnh hiện có 559 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập các tổ hòa giải theo trình tự Luật Hòa giải với 4.151 tổ hòa giải, 26.909 hòa giải viên ở cơ sở. Từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82% số vụ.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và có thể tự hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự tại cơ sở, hạn chế đơn, thư, giảm khiếu kiện vượt cấp; tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như giúp các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời, góp phần ổn định về an ninh chính trị, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thời gian qua đã đi vào nề nếp và tương đối ổn định, công tác hoà giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao.

Hoạt động hoà giải đã giúp cho công dân, tổ chức tiết kiệm được kinh phí, hạn chế việc khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác hoà giải của các ngành, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là sự phối kết hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức hoà giải.

Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ tư pháp xã, phường và đông đảo lực lượng hoà giải viên với tinh thần tự nguyện, không vì lợi ích cá nhân, tích cực, chủ động trách nhiệm cao với cộng đồng, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương thức hoà giải, góp phần giải quyết hàng nghìn tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng.

Đội ngũ hòa giải viên chưa được tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên hàng năm

Đội ngũ hòa giải viên chưa được tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên hàng năm

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tại kinh phí dành cho hoạt động hòa giải có nơi có, nơi không. Trong khi đó, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải”. Quy định này đã được cụ thể trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải cơ sở. Mức chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): mức tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Nhưng, do kinh phí của các địa phương còn hạn chế nên nguồn kinh phí chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên rất ít, thậm chí không có.

Bên cạnh đó, mạng lưới tổ hòa giải chưa đồng đều, số lượng hòa giải viên tổ hòa giải còn ít; tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; một số hòa giải viên còn bị hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải dẫn đến số lượng vụ việc hòa giải thành chưa cao và chất lượng hòa giải nhiều vụ, việc còn hạn chế; việc xác định phạm vi hòa giải của các hòa giải viên còn lúng túng. Đội ngũ hòa giải viên chưa được tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên hàng năm, do đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp hòa giải không thành công, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của công tác hòa giải.

Mặt khác, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, phân chia tài sản hôn nhân ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, trong khi số lượng và trình độ của hòa giải viên còn hạn chế nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hòa giải; nguồn ngân sách Nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa nhiều, việc huy động nguồn kinh phí cho công tác hòa giải cũng còn khó khăn, do đó chưa thu hút được nhiều cá nhân có năng lực tham gia công tác hòa giải.

Để các tổ hoà giải ở cơ sở phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, thời gian tới chính quyền các địa phương và các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, trang bị về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho các hoà giải viên khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn có thể đưa ra được những tư vấn, căn cứ vừa hợp tình vừa hợp lý, đúng pháp luật, nâng cao tỉ lệ hoà giải thành công, qua đó giúp giảm áp lực giải quyết tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tố cáo, ổn định tình hình tại các địa phương.

Đọc thêm