Đó là nhận định của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thanh Hóa qua sơ kết về kết quả công tác thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an về thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa đường bộ trên các tuyến phụ trách.
Kiểm soát chặt chẽ trọng tải
Thanh Hóa có tổng mạng lưới chiều dài đường bộ hơn 21.000km, trong đó chỉ tính riêng quốc lộ (QL) là 793km, có các tuyến QL quan trọng như: QL1A, QL10, đường Hồ Chí Minh. Là tuyến giao thông huyết mạch nên lưu lượng giao thông qua tỉnh là rất lớn với nhiều hình thức, diễn biến phức tạp, nhất là vấn nạn xe quá khổ, quá tải.
Thiếu tá Lê Hồng Thái - Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian vừa qua, tình trạng các phương tiện vận tải chở quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh, vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng. Lực lượng CSGT kết hợp các lực lượng chức năng đã tập trung tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với chủ các phương tiện vận tải chở quá khổ, quá tải trên địa bàn.
Quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ luôn chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức nghiệp vụ, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, đối tượng truy nã, hàng chục vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại.
Thiếu tá Lê Hồng Thái cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tốc độ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó không chỉ mang lại hiệu ứng cao mà còn củng cố được niềm tin của người dân đối với CSGT”.
“Ngại” tiền phạt nên giảm tải trọng
Chia sẻ với phóng viên, Đại úy Trịnh Xuân Tùng, Trạm trưởng Trạm CSGT QL1A Thanh Hóa (đóng tại huyện Quảng Xương) cho biết: Nếu như trước đây mỗi khi lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra các phương tiện chở hàng quá tải thường gặp phải sự đối phó của lái xe vì thiếu phương tiện kiểm định thì kể từ khi được Bộ Công an trang cấp trạm cân chất lượng cao (đặt tại Trạm), việc kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện vi phạm tải trọng đạt hiệu quả cao hơn nhiều.
Nhờ thiết bị này, tất cả thông số về xe, về khối lượng trọng tải vi phạm đều được biểu hiện trên máy nên lái xe chở hàng quá tải khi bị lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý gần như chấp hành tốt hơn. Hơn nữa, mức phạt đối với hành vi này cũng rất cao nên từ khi có trạm cân, “trung bình một ngày, Trạm tiến hành xử lý từ 3-4 trường hợp vi phạm về tải trọng. Đó là tín hiệu đáng mừng vì đây là con số ít hơn rất nhiều so với trước đây” - Đại úy Trịnh Xuân Tùng cho biết thêm.
Trước sự quyết liệt xử lý của lực lượng chức năng, cùng với nhiều biện pháp, xử lý nghiêm minh nên trong thời gian qua, trên toàn địa bàn, các lái xe khi chạy qua địa bàn thường không dám chở hàng vượt quá tải trọng, tình trạng tai nạn giao thông đã giảm, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng được phát huy hơn và điều quan trọng đó là bảo vệ được các tuyến đường quan trọng.
Hiện ở Thanh Hóa đã có 223 doanh nghiệp, 2.477 chủ phương tiện ký cam kết, 359 phương tiện đã cắt thùng xe theo đúng quy định hiện hành. Từ ngày 10/6 đến ngày 30/9/2015, lực lượng CSGT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 338 trường hợp xe ôtô hết niên hạn sử dụng, không có hoặc hết hạn kiểm định, tạm giữ 338 phương tiện, tước 338 giấy phép lái xe.
Các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, xử lý 2.862 trường hợp xe ôtô vận tải hàng hóa vi phạm quá khổ, quá tải, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Phòng CSGT kiểm tra, xử lý 1.612 trường hợp, phạt tiền nộp kho bạc gần 10 tỷ đồng…