Thanh Hóa: Tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển

(PLVN) - Bước đầu Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Bộ pháp điển được xem là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.
Các đại biểu tại Hội nghị
Các đại biểu tại Hội nghị

Sáng ngày 3/6, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại Thanh Hoá.

Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Ông Lê Hữu Viên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá; cùng với các chuyên gia tư vấn; các đại biểu đại diện các bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các đại biểu công tác trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; sinh viên một số trường Đại học có chuyên ngành luật trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Kiểm tra VBQPPL đã giới thiệu khái quát về Bộ pháp điển cũng như công tác xây dựng Bộ pháp điển tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời giới thiệu và hướng dẫn cách khai thác và sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển – https://phapdien.moj.gov.vn/.

Trong quá trình diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tích cực đóng góp ý kiến để giúp việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển điện tử được hiệu quả hơn.

Thanh Hóa: Tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển ảnh 1

Các đại biểu đang tiến hành truy cập vào Cổng thông tin điện tử Pháp điển

Đây có thể nói là dịp thực hành để các công chức thực hiện công tác pháp điển tại các bộ, ngành cũng như đội ngũ báo cáo viên làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển tự hoàn thiện bản thân, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt công việc được giao.

Ở Việt Nam hiện nay, tại Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.

Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 188/271 đề mục, trong đó có 150 đề mục đã được Chính phủ thông qua. Bộ Tư pháp đang tổng hợp hồ sơ trình Chính phủ thông qua đối với 35 đề mục. Còn lại 83 đề mục dự kiến thực hiện và hoàn thành vào năm 2021 và 2022. Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Qua việc pháp điển 188/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 07 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển ra ngoài xã hội. Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, cho đến nay đã có hơn 04 triệu lượt truy cập (trung bình mỗi ngày có hơn 03 nghìn lượt truy cập). Những kết quả đạt được của Bộ pháp điển bước đầu đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao; ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức thường xuyên khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong giải quyết công việc của mình.

Bước đầu Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.

Đọc thêm