Thanh, kiểm tra 1 lần/năm: Cần phải được luật hóa

(PLO) - Việc Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu các bộ, cơ quan đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với DN 1 năm/1 lần là chủ trương được các doanh nghiệp (DN) tích cực đón nhận với hy vọng sẽ “cởi trói” và giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện nghiêm yêu cầu này được cho là không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

DN càng phát triển, càng bị săm soi 

Việc thanh, kiểm tra là cần thiết để đảm bảo điều chỉnh hoạt động của DN. Tuy nhiên, nhiều DN “kêu trời” vì cứ vài tháng lại có một cơ quan nào đó tới kiểm tra, đôi khi là với những nội dung tương tự. Mỗi khi có đoàn thanh, kiểm tra tới, các DN đều phải cử người chuẩn bị, cung cấp hồ sơ, giấy tờ được yêu cầu khiến họ rất mất thời gian. Trong bối cảnh làm ăn khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc phải quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vì thế nhiều khi trở thành gánh nặng thực sự đối với DN. 

Thanh, kiểm tra quá nhiều còn có thể trở thành nguồn cơn khiến DN đang làm ăn yên ổn bỗng chốc rơi vào khủng hoảng nếu gắn với yếu tố vô trách nhiệm, tùy tiện. Ví dụ điển hình cho trường hợp này có thể kể đến cơn “giông bão” mà Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet foods) gặp phải khi bỗng nhiên bị Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội tiến hành kiểm tra, bắt giữ và niêm phong 2,2 tấn xúc xích với cáo buộc sản phẩm xúc xích của công ty chứa chất gây ung thư.

Dù sau đó DN này đã được giải oan khi các cơ quan liên quan xác định chất có trong sản phẩm của họ không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nhưng những thiệt hại mà Viet foods phải hứng chịu là rất lớn khi các sản phẩm được trả lại đã gần hết hạn sử dụng và lớn hơn là thiệt hại về thương hiệu của DN thì không thể đong đếm, nhất là khi dòng chữ “chứa chất gây ung thư” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng gây nên sự e ngại, dè chừng.

Kiểm tra tới 20 cuộc/năm

Dẫn kết quả tại Điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều tra 8.335 DN dân doanh của VCCI tại 63 tỉnh, thành phố năm qua cho thấy 75% DN đã bị thanh, kiểm tra; trong đó 25% bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên; 5% DN bị thanh, kiểm tra trên 5 lần. Cá biệt, có 13 doanh nghiệp trong mẫu điều tra cho biết bị thanh, kiểm tra trên 20 lần (0,2%). 

Đặc biệt, theo điều tra, cả 63 tỉnh, thành phố đều có doanh nghiệp cho biết năm vừa rồi họ bị thanh tra, kiểm tra 5 lần trở lên. Trong số những DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên, 39% cho biết bị thanh, kiểm tra trùng lặp về nội dung. Cơ quan thường thanh kiểm tra DN nhất là cơ quan thuế (40%), phòng cháy, chữa cháy (17%), quản lý thị trường (15%).

Ông Tuấn cũng cho biết, điều tra 1.584 DN FDI tại 13 tỉnh, thành phố năm 2015 thì 76% DN FDI cho biết bị thanh, kiểm tra, trong đó 35% bị thanh, kiểm tra 2 cuộc trở lên; 8% bị thanh, kiểm tra 5 cuộc trở lên và 0,8% bị thanh, kiểm tra 10 cuộc trở lên. Trong thời gian này, 6 DN FDI được hỏi cho biết họ bị thanh, kiểm tra 20 cuộc trở lên, chiếm tỷ lệ 0,4%.  

Báo cáo PCI của VCCI cũng ghi nhận thực tế đáng lo ngại là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng. Trong đó, các DN nhỏ và vừa thông thường phải tiếp đón từ 1 đến 2 cuộc thanh, kiểm tra trong năm. Với các DN lớn, con số trung bình là 3 cuộc, trong đó có 50% các DN ở quy mô này cho biết họ đón tiếp trên 3 đoàn thanh, kiểm tra trong năm qua. 

Về thời gian tiến hành thanh, kiểm tra, theo báo cáo của VCCI, với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh, kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ, với các DN nhỏ là 7 giờ còn các DN quy mô vừa thường mất khoảng 8 tiếng cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra. Còn với các DN quy mô lớn, họ thường mất đến khoảng 40 giờ cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế.

Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh

Để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của DN, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và giải pháp nhằm giảm gánh nặng về thanh, kiểm tra, tạo điều kiện để các DN yên tâm sản xuất kinh doanh.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với DN 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho DN biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện DN vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật). 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.

Thông tin trên cộng với Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được nhiều DN tích cực ghi nhận, xem đây là một trong những điểm đột phá trong việc hướng tới một Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho DN, nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, một số DN vẫn bày tỏ mong muốn họ chỉ tiếp 1 – 2 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành mỗi năm và không tiếp thêm bất kỳ đoàn kiểm tra, thanh tra của cơ quan khác trừ khi có sai phạm. Ngoài ra, một số DN cũng cho biết họ sẽ rất khó từ chối nếu tiếp tục bị tranh tra lần 2.

Đọc thêm