Theo đó, Ủy ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc kỳ và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Cũng theo Nghị định trên, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngày 26/12/2017, Bộ Chính trị đã công bố quyết định để ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên T.Ư Đảng thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng để làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ quản lý vốn tại 21 doanh nghiệp, với tổng số vốn hơn 3 triệu tỷ đồng.
Một số tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc “siêu” ủy ban này có thể kể như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)…