Thanh minh trong tiết tháng Ba

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”- Từ lâu, Thanh minh đã trở thành ngày Tết thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tết Thanh minh được tổ chức vào tháng Ba âm lịch trong tiết trời mùa xuân và gắn với tục đi tảo mộ của người dân.
Đại gia đình đi tảo mộ người quá cố tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình). (Ảnh T.Dương)
Đại gia đình đi tảo mộ người quá cố tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình). (Ảnh T.Dương)

Con cháu tưởng nhớ tổ tiên

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành một ngày lễ quan trọng, thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Thanh minh là từ Hán Việt, có nghĩa là trời trong sáng, là lễ tảo mộ. Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và được người phương Đông coi là một lễ tiết. Theo ước lệ, Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 20/4 dương lịch (khoảng tháng 3 âm lịch, tháng 2 nhuận). Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Người ta gọi Thanh minh trong tiết trời xuân bởi dịp này tiết mưa xuân thường ẩm nồm khiến cỏ cây mọc nhanh, xanh tốt, mộ phần cũng vì thế mà rậm rạp hơn. Người ta đi tảo mộ sẽ dọn dẹp, phát quang xung quanh mộ phần và làm cỏ sạch sẽ. Khi những cơn mưa qua làm đất trôi nhiều khiến mộ phần xơ xác người ta đi tảo mộ là để đắp thêm đất cho mộ. Ngày nay, mộ đất không còn, thay vào đó là gạch ngói ốp lát sạch sẽ tinh tươm, người đi tảo mộ sẽ dọn dẹp và phát quang cỏ dại xung quanh để tránh các loại con vật làm tổ gây hại đến mộ phần. Sau đó, là đốt vàng mã, thắp hương, cắm hoa.

Mâm cỗ cúng tổ tiên được gia chủ chuẩn bị chu đáo. (Ảnh internet)

Mâm cỗ cúng tổ tiên được gia chủ chuẩn bị chu đáo. (Ảnh internet)

Tết Thanh minh là Tết tảo mộ, theo truyền thống, đại gia đình đầy đủ các thành viên sẽ cùng ra mộ viếng thăm người thân đã khuất của mình. Ngày Tết Thanh minh không có chỗ cho sự u buồn hay đau xót, mà tất cả mọi người đều cùng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất với thái độ kính cẩn, mong cho người đã khuất an nghỉ thanh thản và người còn sống lạc quan hướng tới tương lai phía trước.

Trong ngày này, mọi người cũng thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về người thân đã khuất của mình. Trẻ nhỏ được theo người lớn ra nghĩa trang thăm mộ tổ tiên, nhắc nhở con cháu, để con cháu biết về nguồn gốc của mình. Và rồi, cả nhà cùng ăn bữa cơm gia đình ấm cúng.

Tết Thanh minh ở mỗi vùng miền một khác, tuy nhiên nó vẫn mang một ý nghĩa chung là tưởng nhớ về người thân, tổ tiên ông bà của mình. Là ngày để con cháu thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mình.

Ấm lòng người đã khuất

Tết Thanh minh năm nay trong tiết trời ấm áp, Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) nhộn nhịp với những chuyến xe đưa đoàn khách gia đình để đi tảo mộ phần khuôn viên mộ của mình. Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng chia sẻ: “Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó, các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ”.

Khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình. Các lễ vật gồm có: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong Tết Thanh minh.

Tết Thanh minh là một nét đẹp văn hoá của người Việt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. (Ảnh T.Dương)

Tết Thanh minh là một nét đẹp văn hoá của người Việt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. (Ảnh T.Dương)

Loài hoa màu trắng tượng trưng cho sự tiếc thương và nhung nhớ những người đã khuất như như bách hợp, hoa cúc trắng, cây mã đề hoa hồng trắng thường được chọn để dâng hoa khi đi tảo mộ. Màu trắng của những loài hoa này với ngụ ý thuần khiết, thanh cao và chúng đại diện cho sự tôn kính và hi vọng người đã khuất có được một cuộc sống thoát tục, an nhiên nơi thiên đường. Thời gian qua đi, những phong tục cũ đã dần được thay đổi cho linh hoạt hơn nên việc chọn hoa đi tảo mộ bây giờ đã không còn phải cứng nhắc ở việc phải lựa chọn màu hoa trắng. Màu hoa nào thường nở trong tiết Thanh minh mà có thể bày tỏ được tấm lòng của con cháu, của người ở lại để có thể sử dụng.

Hoa màu vàng cũng biểu tượng cho sự đau buồn và tưởng niệm, trong đó hoa cúc vàng được mọi người sử dụng nhiều nhất và không chỉ dùng cho dịp này.

Ngoài ra, ngày nay các loại hoa như lay-ơn, cây hương thảo cũng thường xuyên được dùng để dâng hoa. Nếu như người mất lúc tuổi cao, có thể tăng thêm tỉ lệ hoa màu đỏ, hồng, màu sắc ấm áp này thể hiện tình cảm nhớ nhung triền miên của con cháu. Trên thực tế, có thể sử dụng nhiều loài hoa khác nhau mà con người gán cho những tiếng nói, ý nghĩa riêng. Nhưng dâng hoa cho người đã khuất phải chắc chắn một điều, bất cứ một loài hoa nào dù cầu kỳ hay đơn giản, dù rực rỡ hay đơn sơ được dùng để di tảo mộ trong tiết Thanh minh đều cùng chung mục đích là bày tỏ tấm lòng thành kính với người thân yêu của chúng ta.

Trong ngày Tết Thanh minh, các gia đình tiến hành cúng lễ tại bàn thờ gia tiên và phần mộ gia tiên. Khi đến nơi đặt mộ phần của người thân, gia chủ đặt lễ vật cúng Tết Thanh minh vào chỗ thờ chung để làm lễ. Nếu nơi đó không có chỗ thờ, không phải nghĩa trang thì cần chuẩn bị đôn, kệ để đặt đồ lễ chứ không xếp trên mặt đất.

Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.

Việc cúng gia tiên trong Tết Thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường. Thể thức này, theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt thì có những nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.

Khi dâng cúng tổ tiên và thắp hương, cần thành tâm khấn vái, nghĩ tới những điều tốt đẹp, cầu mong cho tổ tiên nơi chín suối an nghỉ thanh thản, không vương vấn điều gì chốn dương gian. Các vong linh ở nghĩa trang cần niệm Phật nhất, chỉ cần niệm 6 chữ “Nam mô A di đà Phật” cũng làm vong linh nhẹ nhàng, bớt đau khổ.

Mọi thành viên trong gia đình nhớ tới công lao của tổ tiên, tri ân và tự nhủ sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp, sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước.

Ông Nguyễn Hữu Tú, 61 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: “Năm nay, tiết trời ấm áp, đại gia đình tôi gồm 3 thế hệ: ông, con, cháu thuê xe ô tô 29 chỗ đi tảo mộ vợ tôi. Ngay từ sáng sớm, cả gia đình tôi đã có mặt ở đồi Kim. Người lớn chuẩn bị đồ cúng lễ. Các cháu tôi còn nhỏ, được ông và bố mẹ hướng dẫn đã tự tay lau chùi mộ phần của bà nội. Cả nhà cùng sum họp, dâng mâm cỗ chay, khấn lễ tưởng nhớ đền đáp công ơn người đã khuất. Đây là ngày lễ rất quan trọng để con cháu đời sau nhớ về nguồn gốc tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người gắn hết hơn, đoàn kết với nhau hơn. Thấy chồng, con, cháu tề tịu đông đủ, chắc vợ tôi ở dưới suối vàng cũng thấy ấm lòng”.

Chị Nguyễn Khuê, 37 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tết Thanh minh năm nay, tôi và chồng con đi tảo mộ bố mẹ ở đồi Mộc. Ngoài dịp Thanh minh như thế này, trong năm tôi cũng lên đây vài chuyến vì không gian ở đây rất đẹp, thoáng mát, sạch sẽ. Bố mẹ tôi nằm ở đây chắc cũng yên lòng. Sau khi thắp hương tại mộ phần, gia đình tôi đã đến chùa Kim Sơn Lạc Hồng cùng nhau ngồi tụng Kinh A Di Đà cầu mong cho linh hồn của người thân quá cố được siêu thoát”.

Tết Thanh minh là một nét đẹp văn hoá của người Việt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên tu dưỡng đạo đức, đề cao chữ hiếu, chăm sóc cha mẹ, ông bà, người thân khi họ vẫn còn trên dương thế. Có như vậy, Tết Thanh minh mới càng thêm ý nghĩa.

Đọc thêm