Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, vừa nhận được đơn trình báo của người dân về hình thức giả mạo dịch vụ “gái gọi” qua mạng để lừa đảo.
Theo trình báo của anh P.D.T (SN 1990, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An), trước đó anh có sử dụng ứng dụng Telegram để tìm kiếm “gái gọi”. Quá trình sử dụng, có người xưng tên là Nguyễn Ngọc Lan Hương (TP Vũng Tàu) tương tác, trao đổi và cho số điện thoại để anh tiện trong việc sử dụng dịch vụ.
Do cả tin nên anh T trực tiếp liên hệ với số điện thoại trên để đặt “gái gọi”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đối tượng lừa đảo đã đưa nạn nhân vào nhóm thực hiện các nhiệm vụ để được cấp thẻ VIP.
Sau đó, anh T đã lần lượt thực hiện 6 nhiệm vụ mà đối tượng đưa ra để nhận tiền hoa hồng chuyển qua tài khoản. Sau khi hoàn thành 6 nhiệm vụ, chuyển khoản tổng cộng số tiền 560 triệu đồng cho đối tượng, anh T mới nghi vấn mình bị lừa đảo.
Cơ quan Công an cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo qua mạng. |
Lúc này, thanh niên 33 tuổi yêu cầu chuyển lại số tiền trên thì lại bị đối tượng đòi phải chuyển thêm 450 triệu đồng nữa để hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng. Đối tượng hứa sẽ chuyển hết toàn bộ số tiền 560 triệu đồng và chi trả đầy đủ hoa hồng. Biết mình đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, anh T đến cơ quan công an trình báo.
Theo Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, đối tượng mà kẻ lừa đảo bằng hình thức giả danh các dịch vụ “gái gọi” nhắm tới chủ yếu là nam giới. Một số đàn ông sau khi uống rượu hoặc đi công tác xa nhà sẽ lên mạng để tìm đến dịch vụ “gái gọi”, như: “Tình một đêm”, “sugar baby”… từ đó dễ dàng “dính bẫy” những kẻ lừa đảo. Thậm chí, khi lỡ “sập bẫy” này thì các nạn nhân thường chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” để giữ hạnh phúc gia đình.
Trước thực trạng trên, cơ quan công an đã liên tục cảnh báo người dân cần thận trọng với các chiêu trò lừa đảo như: trúng thưởng, nâng cấp sim 4G, hack tài khoản zalo, Facebook để mượn tiền, bẫy tình trên mạng…