Thành phố thuộc dạng “thông minh” đầu tiên ở Ấn Độ hiện được xây dựng ở lưu vực sông Sabarmati, phía Tây nước này. Cho đến nay, nơi đây mới chỉ có 2 tòa nhà văn phòng đặt trên diện tích hơn 300ha và các hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm.
Nhưng theo giới chức Ấn Độ, đây chính là những phần thô của một đô thị đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, khi hoàn thành sẽ bao gồm các tòa tháp cao lấp lánh, nước uống từ vòi, hệ thống thu rác tự động và một nguồn cung cấp điện chuyên dụng – những thứ được xem là xa xỉ với nhiều người Ấn Độ. Nhiều phần trong những hệ thống tiện ích này sẽ được xây dựng trong một đường hầm ẩn dưới lòng đất.
Với dân số đô thị dự kiến sẽ tăng thêm hơn 400 triệu người, lên thành 814 triệu người vào năm 2020, Ấn Độ đang đối mặt với sự đô thị hóa hàng loạt ở quy mô lớn vốn chỉ từng xảy ra tại Trung Quốc. Nhiều thành phố như Mumbai hiện thường xuyên lâm vào cảnh tắc đường nghiêm trọng và bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu các tiện nghi như công viên và hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, trước cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết đến năm 2022 sẽ xây dựng 100 thành phố thông minh để đáp ứng cơn sốt nhà ở. Và tòa nhà ở ngoại ô Gandhinagar, thủ phủ của bang Gujarat nói trên chính là thành phố thông minh đầu tiên mà Chính phủ Ấn Độ xây dựng với kỳ vọng sẽ tạo thành hình mẫu cho tương lai đô thị của nước này.
Với chi phí khoảng 1 nghìn tỉ USD theo như các ước tính từ công ty tư vấn KPMG, kế hoạch nói trên ngoài việc đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho lực lượng dân cư bùng nổ mạnh mẽ còn là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng của ông Modi, theo đó thu hút đầu tư, cung cấp việc làm cho khoảng 1 triệu người Ấn Độ đang gia nhập vào lực lượng lao động của nước này mỗi tháng.
Tại thành phố thông minh có tên Thành phố công nghệ tài chính quốc tế Gujarat (GIFT) nói trên, Ấn Độ chủ trương sẽ áp dụng các ưu đãi về thuế và các khoản phí khác để thu hút các ngân hàng, các công ty môi giới và các doanh nghiệp khác. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng, GIFT khi hoàn thành sẽ đủ sức cạnh tranh với trung tâm tài chính Mumbai của chính Ấn Độ cũng như các đối thủ ở nước ngoài như Dubai và Singapore.
Ông Jagan Shah, Giám đốc Viện Các vấn đề đô thị quốc gia Ấn Độ cho biết, để xây dựng các thành phố thông minh, Ấn Độ đã dành ra 60 tỉ rupi (tương đương 962 triệu USD) trong ngân sách liên bang hàng năm cho năm tài chính bắt đầu từ 1/4/2015. Trong năm trước đó, Chính phủ nước này chỉ dành ra một phần nhỏ trong ngân sách 70,6 tỉ USD để chi cho mục tiêu hiện được đánh giá là quan trọng này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc xây dựng các thành phố mới có thể sẽ không phải là câu trả lời cho dân số đô thị đang phình to của Ấn Độ.
“Để giải quyết thách thức đô thị hóa của Ấn Độ, chúng ta phải bắt đầu xem xét từ các thành phố hiện có” – ông Shirish Sankhe, Giám đốc Công ty Tư vấn McKinsey và các cộng sự ở Ấn Độ nhận định. Ông này nói thêm rằng, những thành phố mới sẽ chỉ là một phần nhỏ của các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đô thị hóa hiện nay ở Ấn Độ.
Ngoài ra, các dự án này cũng được dự đoán sẽ gặp nhiều rào cản trong việc thực hiện, trong đó có việc lấy được quyền thu hồi đất và quá trình phê duyệt quá dài cũng như việc tìm được các địa điểm thích hợp./.