Thành phố Vĩnh Yên phát triển thương mại dịch vụ tạo động lực tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xác định thương mại - dịch vụ (TMDV) là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong những năm qua, thành phố Vĩnh Yên luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực TMDV, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chợ Vĩnh Yên thu hút gần 800 hộ vào kinh doanh, buôn bán.
Chợ Vĩnh Yên thu hút gần 800 hộ vào kinh doanh, buôn bán.

Trong những năm qua, mạng lưới kinh doanh thương mại tại Vĩnh Yên phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ.

Mạng lưới kinh doanh tại đây mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế, làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Đặc biệt, những năm gần đây, kết cấu hạ tầng thương mại được thành phố chú trọng đầu tư và có bước phát triển rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên có gần 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; gần 8.000 hộ kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch và dịch vụ khác.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại thành phố đều hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng và sử dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; trên 90% doanh nghiệp nắm vững kỹ năng kinh doanh trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ tại địa phương cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các xã, phường thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên toàn thành phố.

Trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của thành phố.

Những năm gần đây, các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.

Theo thống kê của UBND thành phố, từ năm 2015 đến nay, ngành dịch vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất, bình quân đạt 19,3%/năm, cao hơn từ 3,6% so với ngành công nghiệp, xây dựng và khoảng 18,5% so với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất ngành dịch vụ vẫn đạt trên 10.400 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2021; 9 tháng năm 2023, đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng chiếm 99,7%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 0,3%.

Theo đánh giá của UBND thành phố Vĩnh Yên, sau 2 năm triển khai Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, giai đoạn 2021- 2030, nhất là việc gắn phát triển du lịch, dịch vụ với ẩm thực, trên địa bàn thành phố đã hình thành được các tuyến phố văn minh kiểu mẫu tại phường Ngô Quyền và 3 tuyến phố đi bộ, gồm: Tuyến phố đi bộ ẩm thực đường Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền; tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng, phường Khai Quang và tuyến phố đi bộ tại phường Hội Hợp. Qua đó, từng bước tạo nét đẹp về văn hóa, văn minh đô thị đặc trưng và điểm nhấn riêng của thành phố; đồng thời, đem lại không gian vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và thu hút du khách, thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên địa bàn.

Đối với việc phát triển các chợ truyền thống, 2 năm qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đưa chợ Định Trung vào hoạt động từ đầu tháng 7/2022; tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh đăng ký vào kinh doanh tại chợ.

Thành phố tiến hành điều tra, khảo sát về nhu cầu phát triển kinh doanh, những khó khăn trong quá trình kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng của các tiểu thương kinh doanh tại chợ Vĩnh Yên, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho gần 800 hộ kinh doanh, với 39 ngành hàng vào bày bán tại chợ.

Đặc biệt, năm 2022 đến nay, Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên đã phối hợp với Hiệp hội Chợ toàn quốc tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các tiểu thương tham quan, học hỏi mô hình phát triển chợ tại một số địa phương, như: Cao Bằng, Lào Cai, Huế, Quảng Trị…

Để tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ đạt 8 - 10% trong giai đoạn 2021 - 2025 và từ 10 - 12% trong giai đoạn 2025 - 2030, thời gian tới, thành phố Vĩnh Yên sẽ đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh.

Thành phố tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở kinh doanh tìm kiếm, nắm bắt, dự báo thị trường để điều chỉnh phương hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Cùng với đó, Vĩnh Yên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng văn minh đô thị; nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Thành phố tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh trật tự, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo nếp sống văn minh đô thị.

Có thể khẳng định rằng sự phát triển mạnh mẽ về thương mại đã thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo đúng hướng tăng dần về tỷ trọng công nghiệp – thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển.

Xét về mặt xã hội, sự phát triển của hệ thống hạ tầng thương mại cũng đã tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống dân cư trong khu vực, tạo diện mạo mới ngày càng phát triển hơn.

Đọc thêm