Thành quả 1 năm tích cực hưởng ứng thông điệp 'hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp' của Chính phủ

(PLO) -Từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ về xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN)”, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hành động thiết thực để triển khai thông điệp đó nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN. Bộ, ngành Tư pháp cũng hòa mình trong “dòng chảy” ấy suốt 1 năm qua.
 
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp tại Bộ Thông tin và Truyền thông
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp tại Bộ Thông tin và Truyền thông

Thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo

Không dưới một lần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ, khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được thử thách, rèn luyện, nâng cao.

Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có được điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, về thể chế như lúc này. Nói riêng về thể chế, Nghị quyết số 61/NQ-CP xác định, việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN theo các nghị quyết của Chính phủ.

Với tinh thần đó, Chính phủ yêu cầu, đối với các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, các bộ đã có đề nghị xây dựng dự án luật, hoàn thiện hồ sơ trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp; các bộ đã có báo cáo kết quả rà soát nhưng chưa lập đề nghị xây dựng dự án luật hoặc chưa có báo cáo, khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp tháng 10/2017 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, 2018.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Tư pháp đã rà soát tổng thể đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh. Theo đó, đã có báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 14 Luật và ban hành mới 02 Luật. 

Luật hóa chế định hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa 

Liên quan đến một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có tác động trực tiếp đến cộng đồng DN thì một “điểm sáng” nổi bật chính là công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN. Đáng chú ý, công tác HTPL cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa được nâng lên một tầm cao mới. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp, lần đầu tiên chế định HTPL cho DN nhỏ và vừa đã được luật hóa tại Điều 14 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về HTPL cho DN khởi nghiệp, sáng tạo trong thời gian tới. 

Nhìn lại “hành trình” của chế định HTPL cho DN nhỏ và vừa cho thấy, đã có lúc chế định quan trọng này bị bỏ ra khỏi Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp luôn nêu rõ quan điểm rằng HTPL vừa là nhu cầu và vừa là đòi hỏi chính đáng của DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, việc hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa phải chuyển sang hỗ trợ gián tiếp, nhất là thông qua HTPL để tránh lãng phí, thất thoát và cộng đồng các DN nhỏ và vừa sẽ được thụ hưởng nhiều hơn so với hoạt động hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Đặc biệt, thực tiễn đã chứng minh hỗ trợ này là hết sức cần thiết bởi hầu hết các DN nhỏ và vừa được hình thành trên nền tảng kiến thức pháp lý thấp, chưa có thói quen cũng như kinh phí để sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý. Trước những ý kiến xác đáng của Bộ Tư pháp, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đã chính thức ghi nhận chế định này.

Trở lại với thực tiễn HTPL cho DN, Chương trình HTPL liên ngành dành cho DN giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585) trong năm 2017 tiếp tục được triển khai đồng bộ trên cả nước. Trong khuôn khổ Chương trình 585, đã tổ chức hơn 100 tọa đàm đối thoại, bồi dưỡng pháp luật cho DN trên cả nước, thu hút gần 10.000 đại biểu đại diện DN tham dự; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại 31 tỉnh, thành phố; xây dựng và phát sóng 42 “Chương trình kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam, 208 chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Không những thế, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2017 (kèm theo Quyết định số 108/QĐ-BTP) với lĩnh vực trọng tâm để tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật là hỗ trợ DN khởi nghiệp. Qua đó, đã tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động. 

Đọc thêm