Thanh tra toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng trẻ em trên toàn quốc

(PLVN) - Hiện nay, theo Bộ LĐ-TB&XH, trên cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Số trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở khoảng 14.600 em.
Hiện có khoảng 14.600 trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn: Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế)

Trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, Bộ đều ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, kiểm tra hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em và chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở trợ giúp xã hội chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như gần đây, những vi phạm pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em của Mái ấm Hoa Hồng tại địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh gây bức xúc dư luận xã hội.

Nhằm bảo đảm quyền trẻ em, thực hiện tốt Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn số 4452/BLĐTBXH-CTE ngày 23/9/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Công văn nêu rõ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương, UBND các cấp triển khai tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của từng trẻ em;

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có giải pháp bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục (24h/24h) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội; chia sẻ, cập nhật dữ liệu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, bảo vệ các quyền trẻ em tại cơ sở…

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết về việc cần sớm tổng kiểm tra toàn quốc các cơ sở tự phát nhận nuôi trẻ em. Bài báo đề cập đến việc vấn đề cơ sở tự phát nhận nuôi trẻ em đang là vấn đề “nóng” vì những sự kiện xảy ra gần đây. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế kiểm tra các cơ sở này.

Tại Phiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, theo thống kê, số cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập đã được cấp phép trên toàn quốc là 425 cơ sở. Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, số liệu này còn rất ít so với thực tế. Cơ sở tự phát, từ thiện, tôn giáo tự nhận nuôi dưỡng trẻ em theo diện từ thiện chưa được cấp phép rất nhiều, số lượng lớn, địa phương chưa nắm được, chưa có cơ chế kiểm soát, kiểm tra.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì cùng các Bộ, ngành địa phương tổng điều tra toàn quốc về các cơ sở này, để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Được biết, Công văn số 4452 của Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu, các địa phương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra cơ sở trợ giúp xã hội có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trước ngày 6/11/2024 để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại Phiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa - Giáo dục giám sát lại nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em, để báo cáo Quốc hội.