Thảo cầm viên Sài Gòn bàn chuyện phát triển không gian sinh thái trong lòng đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tròn 160 năm ra đời, Thảo cầm viên Sài Gòn đã trở thành một không gian xanh, một khu rừng sinh thái giữa đô thị, không chỉ là nơi bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển nguồn gen động, thực vật quy hiếm mà còn là một không gian văn hóa mang tính chữa lành với người dân thành phố.
Thảo cầm viên Sài Gòn - di sản văn hóa, sinh thái giữa lòng thành phố (Nguồn ảnh: TCV Sài Gòn)
Thảo cầm viên Sài Gòn - di sản văn hóa, sinh thái giữa lòng thành phố (Nguồn ảnh: TCV Sài Gòn)

Ngày 06/03/2024, Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TCV) đã phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển”. Hội thảo nhằm đánh giá lại tính lịch sử, giá trị một các chân thực nhất, có tính khoa học để ghi nhận vai trò và vị trí của TCV hiện nay và tương lai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của TCV đối với các thế hệ. TCV được xây dựng vào ngày 23/03/1864 đến nay đã tròn 160 năm, gắn liền với sự phát triển đô thị Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ khác nhau, phát triển xuyên suốt trong tiến trình lịch sử. Trong mỗi giai đoạn gian phát triển đó, TCV trải qua các hiện trạng khác nhau, lúc thăng lúc trầm, để trở thành một nguồn lực văn hóa tinh thần cổ vũ động viên, đồng hành cùng người dân thành phố.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển” (Ảnh Ngọc Mai)

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển” (Ảnh Ngọc Mai)

TCV không chỉ là công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời của TP Hồ Chí Minh mà còn là nơi bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển nguồn gen động, thực vật góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học ở Việt Nam. Hiện nơi đây là 1 trong 8 vườn thú có tuổi thọ lâu đời nhất trên thế giới với kho tàng động - thực vật phong phú, gồm hơn 2000 cá thể động vật thuộc 135 loài và có trên 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, trong đó có trên 700 cây cổ thụ.

Theo PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, các bài tham luận tại hội thảo thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giới học thuật đối với TCV, mở ra những góc nhìn mới về giá trị khoa học và văn hóa của một công trình cổ xưa mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - sinh thái, xoay quanh các vấn đề trọng tâm: Giá trị văn hóa và lịch sử; vị trí, vai trò và tiềm năng phát triển của TCV; Vai trò và vị thế của TCV trong công tác giữ gìn và tạo mảng xanh cho không gian đô thị của TP Hồ Chí Minh và trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam; Gợi mở về định hướng phát triển trong giai đoạn tới;…

Đặc biệt, các chuyên gia cũng quan tâm sâu sắc và đưa ra nhiều kiến giải hay về định hướng kết hợp phát triển du lịch TCV trong bức tranh phát triển du lịch chung của TP Hồ Chí Minh, làm thế nào để TCV trở thành một điểm nhấn quan trọng, một điểm đến “không thể bỏ qua” khi du khách viếng thăm thành phố mang tên Bác.

TCV là 1 trong 8 vườn thú lâu đời nhất thế giới với kho tàng động - thực vật phong phú (Nguồn: ảnh tham gia cuộc thi Nét đẹp Thảo Cầm Viên 160 năm)

TCV là 1 trong 8 vườn thú lâu đời nhất thế giới với kho tàng động - thực vật phong phú (Nguồn: ảnh tham gia cuộc thi Nét đẹp Thảo Cầm Viên 160 năm)

“Nhờ bản chất giao lưu, tiếp biến văn hóa ngay từ khởi đầu thành lập, nhờ mạng lưới trao đổi, hợp tác quốc tế rộng lớn qua suốt thời gian lâu dài mà nhiều nguồn phong phú của các chủng loại động thực vật từ rất nhiều quốc gia, nhiều châu lục trên thế giới đã được quy tụ về và được bảo tồn tại TCV, điều mà không một vườn thú nào khác của cả nước có thể so sánh được. Duy nhất trong tất cả các sở thú cả nước, TCV đồng thời là một di sản văn hóa… TCV có thể trở thành điểm đến du lịch sinh thái cũng như du lịch văn hóa, lịch sử. Vừa là vườn Bách thú vừa là vườn Bách thảo, TCV cũng đáp ứng nhu cầu du lịch chữa lành (Healing Tourism, điều trị các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần), một hình thức du lịch mà theo các nhà nghiên cứu, phù hợp trong không gian vườn cây, công viên thực vật hơn là sở thú… ”, nhấn mạnh tính khác biệt trong không gian sinh thái cũng như tiềm năng phát triển du lịch của Thảo cầm viên, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp, Khoa Văn hoá học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phân tích.

Các kết quả học thuật đúc kết từ Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học quan trọng để lãnh đạo đơn vị, các cơ quan chức năng định vị vị thế của TCV trong bối cảnh hiện nay từ đó xác định các chủ trương, chính sách và quyết sách phát huy những điểm mạnh và khắc phục những tồn tại trong thời gian vừa qua, phục vụ hiệu quả hoạt động của đơn vị và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

Cũg trong dịp kỷ niệm 160 năm thành lập, TCV đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như cuộc thi ảnh, triển lãm ảnh, hội thảo chuyên môn, các chương trình biểu diễn... nhằm giúp công chúng tìm hiểu về lịch sử phát triển của Thảo Cầm Viên với ý nghĩa, giá trị của một di sản văn hóa.