Tháo gỡ những 'điểm nghẽn' gây vướng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh

(PLVN) -  Chiều 23/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật đang gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đây là dự án Luật được xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2021. Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và đông đủ các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật.

Tập trung vào những quy định đang thực sự gây khó khăn

Báo cáo đề dẫn cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, dự thảo Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà nếu không sửa đổi, bổ sung kịp thời thì sẽ tạo “điểm nghẽn”, gây “ách tắc” cho sự phát triển và các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác tổ chức thi hành án dân sự; đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích đầu tư sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo đề dẫn cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo đề dẫn cuộc họp.

Bên cạnh đó, những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ ràng nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các Luật; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Triển khai Nghị quyết 94, dự thảo Luật này quy phạm hóa 10 chính sách đã được thông qua, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật, gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Chẳng hạn, Luật Đầu tư công sẽ phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại; dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.

Quang cảnh cuộc họp đầu tiên của Ban Soạn thảo dự án Luật chiều 23/8.

Quang cảnh cuộc họp đầu tiên của Ban Soạn thảo dự án Luật chiều 23/8.

Luật Đầu tư sẽ bổ sung đối tượng được ưu đãi đầu tư là “doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái”; phân cấp thẩm quyền của UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hay Luật Đấu thầu cho phép lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Luật Thi hành án dân sự sẽ bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi…

Đề cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành

Góp ý cho dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến nội dung tăng cường phân cấp, cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Về bổ sung quy định Thủ tướng thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Thứ trưởng Phương cho hay, việc bổ sung quy định này vào Luật Đầu tư công là cần thiết, đảm bảo triển khai trên thực tế, nhất là khi thực hiện phân cấp cho bộ, ngành, địa phương, tránh tình huống các bộ, ngành, địa phương phê duyệt quá nguồn lực đã được Chính phủ thông báo.

Cùng đề cập đến nội dung phân cấp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cần làm sao để các địa phương có thể tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng của cơ quan Trung ương, còn hiện nay quy định cấp ngân sách nào thì sẽ chi đầu tư của cấp đó. Đi cùng với tăng cường phân cấp, chúng ta cũng cần phải giảm thiểu thủ tục. Đối với Luật Đấu thầu, theo ông Đông, cần rà soát, xem xét sửa đổi mức chỉ định thầu hiện hành vì đây là quy định sẽ có tác động rất lớn.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ, ngành cần chịu trách nhiệm toàn diện, đến cùng với đề xuất sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, tránh tình trạng dồn hết lên vai của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tổng hợp đề xuất, các phương án sửa đổi, chỉnh lý các điều khoản, quy định, chứ không làm thay các bộ, ngành; đồng thời sẽ thẩm định dự án Luật, hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành thủ tục để trình.

Vì vậy, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án Luật.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự kiến sẽ trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 sắp tới để xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nên Thứ trưởng Hiếu cho rằng, dự án Luật sẽ chỉ khoanh lại 10 Luật trên và gói gọn trong phạm vi các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Thứ trưởng Hiếu cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành và sớm chuyển kết quả cho Bộ Tư pháp tiến hành tổng hợp; đồng thời chủ động rà soát thật kỹ hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các luật có nhiều nội dung liên quan đến dự kiến các quy định sẽ sửa đổi, bổ sung và có báo cáo rà soát gửi Bộ Tư pháp...

Đọc thêm