Tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp Việt bứt phá sang Anh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tăng trưởng xuất khẩu sang Anh vẫn đang tăng nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng giá trị nhập khẩu của Anh. Việt Nam cần hành động ra sao trước dư địa thị trường quá lớn này?
Hạt điều Việt Nam được tiêu thụ khá tốt ở Anh.
Hạt điều Việt Nam được tiêu thụ khá tốt ở Anh.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này tại Tọa đàm: “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA” diễn ra hôm qua (11/11).

Thưa ông, Việt Nam có những lợi thế nào khi xuất khẩu sang Anh?

- Xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường Anh hiện tăng 15,4% nhưng giá trị hàng hóa XK của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường này. Do đó, đây là cơ hội lớn mà doanh nghiệp (DN) Việt cần nắm bắt, nhất là lợi thế Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực.

Bên cạnh đó, sau khi Brexit, Anh đã phải tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung. Trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung đấy họ sẽ hướng đến các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường Vương quốc Anh quan tâm mà mặt hàng gạo XK tăng cao vào Anh là một ví dụ.

Như vậy rõ ràng đã có một tư duy của các nhà nhập khẩu Anh hướng đến Việt Nam vì có UKVFTA để tìm thêm nguồn cung, đa dạng nguồn cung và những số liệu về XK của mặt hàng thế mạnh chúng ta tăng trưởng hai chữ số, thậm chí tăng đến gần 100% cho thấy xu hướng đấy đang là một thuận lợi cho DN Việt Nam.

Ông Ngô Chung Khanh trao đổi tại Tọa đàm.

Ông Ngô Chung Khanh trao đổi tại Tọa đàm.

Bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp Việt đối mặt với khó khăn nào?

- Ngoài việc khách quan là tiêu chuẩn thị trường Anh cao thì tôi nghĩ khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tư duy của DN. Bởi vấn đề chính ở chỗ, DN chấp nhận hài lòng với những gì họ đang và đã có hay họ sẵn sàng vượt qua sự hài lòng đó, để vươn đến một tầm cao hơn.

Thú thật, qua trao đổi với một số DN, tôi thấy có DN hiện nay đang tập trung chỉ XK sang thị trường truyền thống, như châu Á hay Ấn Độ, khu vực Ả rập... Bây giờ gợi ý họ sang châu Âu hay Anh thì họ luôn cho rằng “thị trường đấy Việt Nam mình chưa đủ trình chơi” hay “Tôi làm một mình tôi sợ lắm, hiện nay tôi khai thác thị trường Ấn Độ hay thị trường Dubai là đủ rồi”... Đấy, có những DN có những tư duy như vậy. Do đó, nếu còn tư duy như thế thì lợi thế, cơ hội chúng ta có được từ UKVFTA sẽ không đạt được như chúng ta mong muốn.

Vậy theo ông cần giải quyết vấn đề e ngại này ra sao?

- Theo tôi, để giải quyết tư duy e ngại của DN thì cần định hướng lan truyền, lựa chọn tìm kiếm các DN đã thành công sang Anh, thành công sang các thị trường FTA mới và mời họ chia sẻ cách làm như thế nào, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm. Cần phải chia sẻ để cho DN tự tin rằng có những người đi trước, có những người mở đường được thì sẽ làm được.

Tôi lấy ví dụ, vừa rồi tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương có tổ chức một hội nghị tổng quan lại quan hệ thương mại Việt Nam - EU trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực. Tập đoàn Lộc Trời đến chia sẻ câu chuyện bước đầu XK được 1.000 tấn gạo thương hiệu của riêng họ, không phải đi gia công như trước nữa. Khi Tập đoàn Lộc Trời phát biểu xong có rất nhiều DN ra gặp, trao đổi để học hỏi kinh nghiệm. Đây là một điểm tốt.

Do đó, nếu có những gương DN nào XK sang Anh thành công và chia sẻ để các DN khác học theo để các DN hiểu ra rằng, không phải XK sang Anh khó như thế, không phải có nhiều rào cản kỹ thuật như thế, biết cách làm tự tin thì vẫn làm được... Đấy là một thuận lợi, nếu chia sẻ DN sẽ được đúc kết kinh nghiệm của nhau.

Vậy các cơ quan ban ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng, mỗi tỉnh, thành nên xác định không nên làm đại trà mà cần nên xác định một đến hai sản phẩm trọng tâm và cùng đồng hành với DN để tạo ra các DN lớn. Rồi các DN lớn sẽ dẫn dắt, kết nối cho các DN đi sau. Với cách làm như vậy chúng ta mới có cơ hội để tận dụng hiệu quả hơn nữa các FTA.

Hiện Malaysia đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như vậy lợi thế cạnh tranh của chúng ta với Malaysia tại thị trường Canada đã không còn. Bây giờ nếu châu Âu, Anh lại ký FTA với các nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines thì rõ ràng trong thời hạn không quá dài (trung hạn có thể là 5 năm, ngắn hạn có thể 1 - 3 năm do còn phụ thuộc thời gian đàm phán) chúng ta không còn lợi thế nữa.

Trong khi chúng ta đã đi qua con đường hơn 2 năm rồi, nếu không làm, không cụ thể hơn nữa thì rất lãng phí. Mong rằng tất cả các DN chúng ta cùng đồng hành, kết nối lại với nhau, cùng phối hợp với cơ quan quản lý để làm sao tận dụng UKVFTA thật tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm