Phát biểu khai mạc, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh kỳ vọng, tọa đàm sẽ gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo ra nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.
Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến các quy định, chính sách về phát triển văn hóa được thể chế hóa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách mới, đặc thù. Qua đó, góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp cũng như đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn sau khi Luật được thông qua và đi vào cuộc sống. Từ đó, đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phạm Hùng) |
Là người đã theo sát quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô sửa đổi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) của chúng ta rất đặc biệt, đặc biệt vì Thủ đô chỉ có một, là Hà Nội nên chúng ta có luật riêng, trong khi TP Hồ Chí Minh hay những địa phương khác chỉ có nghị quyết đặc thù. Khi ban hành Luật Thủ đô, chúng ta mong muốn phân cấp phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô, có những cơ chế, chính sách vượt trội nhiều hơn cho Thủ đô.
Ông Sơn đánh giá, Hà Nội có đầy đủ các lợi thế, nhưng chúng ta đang bị các rào cản pháp lý khiến chưa “bung tỏa”, phát triển được. Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ. Dự thảo Luật dành riêng Điều 21 cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Không chỉ Điều 21, các Điều 39, 41, 43 còn có những ưu đãi về văn hóa thể thao. Điều này thể hiện chúng ta quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hóa và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản về văn hóa; đồng thời, cố gắng tháo gỡ các rào cản pháp lý để từ đó phát triển văn hóa và từ phát triển văn hóa lan tỏa sang phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
“Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi Luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới”, ông Sơn chia sẻ.
Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này không phải là kế thừa Điều 11 của Luật Thủ đô năm 2012, mà toàn bộ vấn đề đưa ra trong Điều 21 của dự thảo Luật sửa đổi là mới hoàn toàn, gồm cả “phần cứng” và “phần mềm”. Đồng thời, có những ưu đãi được đề cập trong nhiều luật khác, trong những điều về phát triển giáo dục, khoa học công nghệ... Ngoài ra, từ năm 2023 đến nay, TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ngành cụ thể hóa Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn… Hy vọng với những việc làm đó, sẽ không còn quan niệm “phần cứng” hay “phần mềm” mà con người giỏi, nguồn nhân lực chất lượng thì sẽ làm được nhiều việc cho phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, sau khi Luật được thông qua, bà Lan Anh nhấn mạnh, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sẽ tiếp tục tham góp các ý kiến, xây dựng các văn bản dưới luật để thuyết phục các đại biểu cho Hà Nội được hưởng những ưu đãi tốt nhất trong các lĩnh vực văn hóa.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO TP Hà Nội tin tưởng, Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội ban hành sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Theo ông Tiến, các chương trình công tác của Thành ủy sẽ có những cơ chế chính sách vượt trội để các cấp các ngành triển khai công tác của Thành ủy tốt hơn và từ đó có tác động hai chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách có tác động đến trực tiếp xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
“Cơ chế chính sách đã có, nhưng triển khai Luật cần phải vừa đảm bảo chặt chẽ vừa phải rất thông thoáng và dễ thực hiện”, ông Tiến mong muốn.