Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030

(PLVN) - Chiều 16/6, với 95,38% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Tồn tại, hạn chế chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan

Đánh giá kết quả thực hiện, Quốc hội đánh giá, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm, trong khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì thiếu cơ sở để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Mặt khác, do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh các quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song hành, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Việc lập đồng thời rất nhiều quy hoạch có nội dung đa ngành trong cùng một bản quy hoạch theo phương pháp mới và cùng một thời điểm gây khó khăn cho công tác tuyển chọn tư vấn và thẩm định, trong khi số lượng, chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia xây dựng quy hoạch và hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao; quy trình, cách thức tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn hạn chế, bất cập... nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu.

Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, Quốc hội cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay một số giải pháp.

Trong đó, Chính phủ quy định chi tiết quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch; quy định các loại sơ đồ, bản đồ quy hoạch cần kèm theo hồ sơ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước…

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch.

Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài;

Xây dựng kế hoạch, lộ trình lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch;

Chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2022.

Đọc thêm