Thấp thỏm lo trước đề xuất giảm giờ làm bài thi vào lớp 10 ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội về tổ chức tuyển sinh lớp 10, trong đó, có đề xuất giảm thời gian các môn thi khiến nhiều phụ huynh lo lắng nếu con làm sai sẽ bị trừ điểm nặng, kết cấu bài thi cũng khác... Nhiều thí sinh mong muốn kỳ thi diễn ra theo kế hoạch từ trước.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Phụ huynh đề xuất nên xét tuyển đồng loạt

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có đề xuất điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10, thực hiện trong 2 ngày thay vì 3 ngày như kế hoạch ban đầu. Thời gian thi của từng môn cũng sẽ giảm, còn 90 phút đối với môn Toán và Ngữ văn; 45 phút với môn Lịch sử và Ngoại ngữ.

Đề xuất này vấp phải sự phản đối của không ít phụ huynh có con sắp “vượt vũ môn”. Anh Đặng Văn Hùng (Đống Đa) nêu quan điểm: “Không thể tin được vào đề xuất này của Sở GD&ĐT Hà Nội. Việc đặc cách cho các học sinh thuộc nhóm F0 và F1 được tuyển thẳng theo nguyện vọng đã đăng ký và xét tuyển theo học bạ đối với các học sinh thuộc nhóm F2 trong khi các học sinh khỏe mạnh phải dồn thi 4 môn vào 2 buổi sáng là không công bằng và tạo kẽ hở để phát sinh tiêu cực cho công tác tuyển sinh năm nay. Thật đáng buồn và bức xúc khi nhận được thông tin này”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Ba Đình) cũng không đồng tình với giải pháp phòng, chống lây lan dịch COVID-19 bằng việc rút bớt thời gian thi 30 phút/môn để có thể ghép 2 môn thi cả ngày vào 1 buổi. “Cả năm các con được tổ chức ôn luyện khung bài theo thời gian Toán, Ngữ Văn 120 phút/môn giờ rút xuống còn 90 phút/môn. Mà cũng chỉ còn 1 tuần nữa thi, các con tuổi lơ ngơ biết chọn cái gì, cắt bỏ gì để đáp ứng được thời gian quy định”, chị Hoa bức xúc.

Chị Hoa cho rằng, nguy cơ lây lan dịch bệnh thì ngồi 90 phút hay 120 phút cũng như nhau. Theo chị, từ khi đọc về tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh “như ngồi trên đống lửa”. Người mẹ này nói: “Nếu sợ dịch lây lan thì có thể hoãn thi, việc thay đổi vào phút chót này khiến nhiều người “đau tim”.

Một phụ huynh cho rằng nếu giảm thời gian làm bài thì số lượng câu hỏi cũng giảm đi nhưng điểm trừ cũng nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Mai (quận Cầu Giấy) phân tích: “Làm thử tính một phép tính như 40 câu ở thang điểm 10, mỗi câu sai sẽ bị trừ 0,25 điểm, nhưng nếu đề thi có 30 câu, sai 1 câu sẽ bị trừ 0,33 điểm. Như vậy sẽ thiệt thòi cho học sinh”.

Không ít phụ huynh nêu phương án xét tuyển cho tất cả học sinh thi vào lớp 10 THPT. “Tôi nghĩ xét tuyển là phương án tối ưu nhất, đảm bảo an toàn cho học sinh và cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này”, chị Nguyễn Hoàng Lan đề xuất.

Một số học sinh khối 9 trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, các em không đồng tình với phương án thay đổi lịch thi, rút ngắn thời gian làm bài và mong muốn kỳ thi vẫn diễn ra theo kế hoạch, phương án đã đề ra.

Giáo viên bất ngờ 

Một giáo viên môn Ngữ văn Trường liên cấp Capitole (Hà Nội) cũng như không ít học sinh trong nhà trường cho biết, cả học sinh và giáo viên đều muốn thi theo phương án cũ.

"Chỉ còn một vài ngày nữa là diễn ra kỳ thi, nếu thay đổi lịch thi và thời gian làm bài thi đồng nghĩa với thay đổi cấu trúc đề. Như vậy sẽ tạo tâm lý và áp lực cho học sinh", cô này nói.

Nữ giáo viên chia sẻ thêm, cô cảm thấy khá bất ngờ khi được lấy ý kiến về phương án điều chỉnh lịch thi lớp 10 năm học năm nay.

Có cái nhìn tích cực hơn, thầy Nguyễn Văn Đức giáo viên dạy Toán (trường THPT Khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mới chỉ là đề xuất phương án giảm thời gian, còn về hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm vẫn chưa nói rõ. Các thầy cô và học sinh gần như đã hoàn thành việc ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi với form đề và hình thức thi như mọi năm. Vì vậy, nếu thay đổi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý chung của bố mẹ và các con.

Tuy nhiên, theo thầy Đức, “dù cho phương án nào được tổ chức thì tôi tin Sở GD&ĐT sẽ xem xét, cân nhắc kĩ các phương án tổ chức nghiêm túc nhất có thể để kỳ thi diễn ra thuận lợi”.

Thầy Đức cho rằng giảm thời gian để tránh ở lâu trong phòng thi, điều này cũng tránh nguy cơ lây nhiễm hơn.

“Tôi nghĩ đề thi giảm số câu để phù hợp hơn với tình hình mới nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa. Do vậy nếu học sinh ôn tập tốt và nắm chắc kiến thức thì sẽ hoàn toàn yên tâm. Giờ chỉ cần hướng dẫn chi tiết hơn về cấu trúc đề thi và hình thức thi thì phụ huynh và học sinh sẽ hiểu và bớt lo lắng hơn”, thầy Đức cho biết thêm.

Trước đó, trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết việc điều chỉnh này nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Nếu thi 2 buổi sáng, thay vì thi liền trong 1 ngày rưỡi, học sinh sẽ có thời gian nghỉ ngơi và các điểm thi cũng có thời gian chuẩn bị các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh như vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi buổi thi. Tuy nhiên, khi dồn 4 môn thi vào 2 buổi thay vì 3 buổi, thì việc giảm thời gian làm bài của từng môn là phù hợp.

Về việc làm đề thi, nếu thời gian thi của từng môn giảm xuống thì chắc chắn ban đề thi cũng phải tính toán ma trận đề phù hợp với thời gian thi cụ thể của từng môn để đảm bảo tính khoa học, chuẩn mực trong làm đề thi.

Đọc thêm