Tình trạng nhà đầu tư găm đất, chính quyền buông lỏng, không chỉ làm cho bức tranh du lịch các tỉnh ven biển miền Trung u ám mà hệ lụy của nó kéo theo hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất lâm vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống đã khó nay lại càng khó hơn. [links()]
Nhường đất, mất việc!
Với người nông dân, đất đai là tài sản vô giá, bởi nó là tư liệu sản xuất, tạo ra việc làm, ổn định cuộc sống. Theo luật, khi nhà nước thu hồi đất, người dân được bố trí nơi ở mới tốt hơn hoặc ngang bằng và họ được hỗ trợ tạo công ăn, việc làm. Thế nhưng tại các địa phương, quy định đẹp đẽ này hiếm khi được thực hiện một cách nghiêm túc, khiến đa phần người dân sau khi bị thu hồi lâm vào cảnh thất nghiệp.
Dự án Khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với vốn đầu tư gần 1 tỷ USD ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô) là dự án du lịch lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được xây dựng trên diện tích 280ha. Cùng theo đó, 280 ha đất nông nghiệp và trồng rừng của hàng chục hộ dân bị thu hồi. Người dân hết sức bức xúc khi hơn hai năm qua dự án chỉ mới làm xong hệ thống ép cọc móng, trong khi hơn 200ha đất của dân lại bỏ hoang.
Một hộ dân ở thị trấn Lăng Cô “ xót của” khi nhìn đất của mình giao cho dự án nhưng 3 năm qua vẫn không xây dựng.
Anh Nguyễn Mạnh, người dân thôn Cù Dù cho biết: “Từ trước đến nay gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào đất nông nghiệp và đất rừng, chúng tôi luôn có gạo để ăn, có việc để làm, không phải mua thứ gì. Từ khi giao đất cho dự án về ở khu tái định cư, mọi thứ đều phải mua, từ tiền ga, tiền nước, điện, gạo..., bao nhiêu thứ phải chi tiêu mà việc làm thì không có. Nhìn đất dự án thu hồi mấy năm nay để không chúng tôi tiếc lắm. Chúng tôi sang trồng cây, lấy củi cũng bị bảo vệ cấm không được vào. Nếu dự án triển khai theo từng giai đoạn thì số đất nhà đầu tư chưa sử dụng đến nên để chúng tôi được canh tác”.
Ông Nguyễn Thường, Trưởng thôn Lập An (thị trấn Lăng Cô) - thôn có nhiều dự án du lịch “treo” - bức xúc nói: “Toàn thôn có 373 hộ thì có gần 100 hộ bị thu hồi đất. Có dự án thu hồi đất đã 3 năm, thậm chí 7 năm vẫn không xây dựng trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Điều đáng nói là có dự án đã kiểm kê tài sản nhưng hai năm qua vẫn không đền bù, người dân muốn sửa nhà cũng không được bởi nằm trong diện giải tỏa. Nếu các chủ đầu tư không triển khai xây dựng thì trả lại đất cho chúng tôi sản xuất...”.
Qua tiếp xúc với người dân tại thị trấn Lăng Cô, đa số các hộ dân ở đây rất bức xúc trước việc đền bù giải tỏa và triển khai dự án chậm trễ. Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Lập An) cho biết: “Cách đây 5 năm, bộ đội về rà phá bom mìn, sau đó huyện về kiểm kê tài sản, áp giá bồi thường, dân ở đây ai cũng phấn khởi lắm. Chủ dự án hứa khi hoàn thành, con em trong vùng sẽ được cho đi đào tạo, tuyển dụng vào làm việc, không phải đi làm ăn xa nữa. Ngờ đâu mãi đến chừ vẫn chờ “dài cổ” chưa thấy mô”.
Ông Huỳnh Đức Hải- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nói: “Nếu tất cả các dự án ở Lăng Cô đều triển khai xây dựng thì bộ mặt Lăng Cô nay đã khác, người dân trong vùng sẽ được hưởng lợi theo, từ công ăn việc làm cho đến kinh doanh. Nhưng hiện đa số các dự sán đều “dậm chân tại chỗ”. Hiện có nhiều nhà đầu tư mới rất muốn được cấp đất để triển khai ngay nhưng toàn bộ quỹ đất ven biển đã khép kín”.
Có xử lý mạnh tay?
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô cho hay: “Chúng tôi đã có công văn gửi UBND tỉnh và các chủ đầu tư trên địa bàn. Theo đó, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền cọc trước ngày 30/11/2010. Khi chủ đầu tư thực hiện được 50% khối lượng công việc chúng tôi sẽ trả lại tiền. Nếu nhà đầu tư nào không thực hiện theo đúng cam kết, chúng tôi sẽ có kế hoạch thu hồi đất trước tháng 12/2010”.
Cũng như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đang lên kế hoạch “xử trảm” các dự án treo. Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi kiến nghị nếu đến hết ngày 31/12, hai khu du lịch Bãi Bụt và Bãi Trẹm Savico vẫn không triển khai xây dựng thì thu hồi phần đất thuê (thời hạn thuê 50 năm). Sau 1 năm, nếu nhà đầu tư vẫn không tiếp tục triển khai dự án trên phần diện tích đất còn lại (đất chuyển quyền sử dụng) thì tiếp tục thu hồi!”.
Ông Thơ cũng cho biết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tiếp tục rà soát kỹ tình hình các dự án khác, làm việc với các chủ đầu tư để có cam kết về lộ trình triển khai, xác định rõ thời hạn phải hoàn thành thủ tục đầu tư, hạng mục phải hoàn thành… Sau thời hạn đó, nếu nhà đầu tư vẫn không đáp ứng thì sẽ thu hồi và có hình thức xử phạt thích đáng.
Cam kết, kế hoạch là một chuyện, thực thi trên thực tế lại là một chuyện khác. Hi vọng chính quyền các địa phương sẽ thực sự cứng rắn để những dự án “treo” sớm được dẹp bỏ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và để người dân nhường đất cho dự án khỏi “xót của”, khi thấy đất của mình cứ dãi dầu với nắng mưa.
Quang Tám