Thầy cô là người bạn lớn bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thay vì bắt ép trẻ phải bỏ điện thoại xuống để ra ngoài vận động, thầy cô có thể “nhờ” trẻ hướng dẫn cách để có thể tham gia vào môi trường số, dùng mạng xã hội.
Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Đó là quan điểm của các diễn giả tham gia buổi buổi chia sẻ, nâng cao nhận thức cộng đồng thuộc phần kết của chiến dịch Vaccine Số từ TikTok với chủ đề “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ” vừa diễn ra.

Theo ông Trần Thành Nam - PGS TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, để trẻ có thể chia sẻ với mình thì trước tiên giáo viên cần trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy, trẻ có thể an tâm tìm đến để tâm sự như một người bạn lớn chứ không phải là người sẽ xét nét, bắt bẻ hay áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ.

Buổi chia sẻ với chủ đề “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ”

Buổi chia sẻ với chủ đề “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ”

Đi kèm theo đó, ông Nam đưa ra ví dụ về việc kết bạn với trẻ như thay vì bắt ép trẻ phải bỏ điện thoại xuống để ra ngoài vận động, thầy cô có thể “nhờ” trẻ hướng dẫn cách để có thể tham gia vào môi trường số, dùng mạng xã hội. Từ đó thân thiết và dễ dàng nói chuyện với trẻ hơn.

Là giáo viên thường hoạt động trên môi trường số, thầy Kiên - Nhà sáng tạo nội dung TikTok cũng có những kinh nghiệm trong việc trở thành một người bạn lớn của học sinh. Theo thầy Kiên, nếu coi đây là một đại dịch thì thầy cô sẽ là những y bác sĩ sẽ tiêm cho các em những “liều vaccine”, giúp các em miễn dịch với những virus độc hại trên mạng.

“Cũng chính từ đây, thông điệp 5K của tôi là: Khẩu trang - Thầy cô là lá chắn cứng bảo vệ các em; Khử khuẩn - Thầy cô giữ vai trò sàng lọc thông tin độc hại trước khi đến tới các em; Khoảng cách - Thầy cô tạo hành lang an toàn cho các em khỏi những thử thách nguy hiểm; Không tụ tập nơi đông người - Thầy cô giáo dục các em không bắt chước đám đông tham gia thử thách nguy hiểm hay bắt nạt bạn bè trên không gian mạng; Khai báo y tế - Thầy cô khuyến khích các em minh bạch và cởi mở những câu chuyện sống số để phát hiện nguy hiểm kịp thời”, thầy Kiên cho biết.

Đọc thêm