Thay đổi để mua bán qua Sở giao dịch phải có giao dịch hàng hóa thật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (MXV) đang như một... “game”, không có hàng hóa giao dịch thật sự, trong khi đó mặt hàng cà phê đã được xuất khẩu và giao dịch thật trên sàn giao dịch hàng hóa ở nước Anh, do đó, cần phải đưa quy định hàng hóa trên Sở giao dịch hàng hóa phải là hàng thật.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo. (Ảnh: PV)
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo. (Ảnh: PV)

Nhiều nội dung chưa được quy định tại Luật Thương mại 2005

Sáng 27/9, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (gọi tắt là dự thảo Nghị định).

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đồng thời là Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, các nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa được triển khai chi tiết từ Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các tổ chức tín dụng 2024...

Do đó, để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về hoạt động này. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua MXV cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua MXV hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định đã vượt qua khuôn khổ của Luật Thương mại 2005 và có nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong Luật. Cụ thể, Luật sư Đinh Dũng Sỹ cho biết, nghiên cứu toàn bộ nội dung dự thảo, ông nhận thấy phạm vi điều chỉnh của Nghị định là rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề mới, vượt ra ngoài phạm vi được Luật Thương mại quy định giao Chính phủ hướng dẫn về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Trong đó có những vấn đề như sàn giao dịch hàng hóa tương lai; Ủy ban kiểm soát giao dịch hàng hóa; công ty kinh doanh hàng hóa tương lai...

Phải cân nhắc lại nhiều quy định của dự thảo

Đại diện MVX nhận xét, dự thảo Nghị định có một số điều hạn chế doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia hoạt động qua MXV, điều này có thể vi phạm Luật Hỗ trợ DNNVV. Chưa kể, hiện nay, Việt Nam có đến 98% DNNVV, Sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam cũng nhỏ và hiện nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, hạt điều đều do những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia sản xuất kinh doanh nên cần phải xem xét lại việc đặt ra vấn đề hạn chế đối tượng giao dịch. Trong khi đó, hầu hết các MXV trên thế giới đều không hạn chế các đối tượng tham gia.

TS. Trần Văn Bình - chuyên gia nghiên cứu sâu về sở giao dịch hàng hóa, cũng là một thành viên kinh doanh của MXV cho biết, kinh doanh trên sàn cực kỳ rủi ro vì hàng hóa là ảo. “Không có hàng hóa thật dù chỉ là 1%, không có một mặt hàng nào của Việt Nam hiện nay đưa lên sàn giao dịch trong nước. Việc giao dịch mua bán hàng hóa hiện nay như một trò chơi, các tài khoản mở hiện nay đa phần là đầu cơ của các cá nhân; các DN mở tài khoản để phòng ngừa rủi ro hầu như không có”, ông Bình nói.

TS. Bình phân tích, bản chất Sở giao dịch hàng hóa phải là hàng thật, nên muốn phát triển Sở giao dịch hàng hóa thì phải phát triển các đơn vị kinh doanh... Ví dụ, mặt hàng cà phê đã được xuất khẩu và giao dịch trên sàn hàng hóa ở nước Anh, do đó, ngay tại Việt Nam, không thể không có mặt hàng này được giao dịch thật sự trên sàn. Theo ông Bình, các công ty thành viên kinh doanh trên sàn khi được thẩm định có thể mở được sàn riêng, sẽ hình thành thị trường giao dịch hàng hóa trên sàn. “Có nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa trên sàn là phải có hàng thật, không thể để như một “game” theo cách thức hiện nay”, TS. Bình góp ý.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo PLVN, TS. Bình cho rằng, giao dịch trên MXV đang thực hiện theo hướng, nhà đầu tư đặt mua hàng hóa và ký quỹ. Ví dụ, đặt mua kỳ hạn tháng 12 lấy hàng nhưng có thể sau đó, thị trường lên giá thì nhà đầu tư sẽ bán nhưng nếu nhà đầu tư chờ lấy hàng thì phải có hàng để giao nhưng ở MXV hiện nay thì “chờ hàng cũng không có hàng”. “Đây là vấn đề cần phải thay đổi triệt để để Sở giao dịch phải đi đúng hướng của nó. Bởi bản chất của Sở giao dịch hàng hóa là để đảm bảo không có chuyện “được mùa, mất giá”, “mất mùa, được giá”, đặc biệt với các mặt hàng nông sản Việt” - ông Bình nói.

Đọc thêm