Thay đổi quan niệm sai lầm gây cản trở bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù từ nhiều năm qua, bình đẳng giới đã được nói đến nhiều, đồng thời được lồng ghép vào nhiều chương trình, chính sách. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm gây cản trở tiến trình bình đẳng giới.
Cần phải có cái nhìn bình đẳng, bình quyền, giải phóng cho cả nam và nữ. (Ảnh minh họa)
Cần phải có cái nhìn bình đẳng, bình quyền, giải phóng cho cả nam và nữ. (Ảnh minh họa)

Bình đẳng giới - những quan niệm sai lầm

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Trong Bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong bình đẳng giới. Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã được từng bước luật hóa trong văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,...

Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệch về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm”. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của nước ta tiến tới việc xóa bỏ những rào cản về giới, tiến đến sự tiến bộ, bình đẳng và văn minh.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều khái niệm về bình đẳng giới đang bị hiểu lầm, dẫn đến sai lầm về nhận thức trong bình đẳng giới. Một trong những quan niệm phổ biến ấy là bình đẳng giới là “bênh vực phụ nữ”. Nghĩa là, phụ nữ chính là đối tượng chính, duy nhất của hoạt động bình đẳng giới. Điều này, nói ra nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế, đó đây, quan niệm nêu trên đang tan vào trong đời sống, tạo thành một dạng ý thức hệ, quyết định suy nghĩ và hành động của nhiều người.

Một câu chuyện đơn giản thường thấy trong cuộc sống, đó là khi trong một gia đình, người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành, lập tức, người phụ nữ nhận được nhiều cảm thông, thương xót, bênh vực và người đàn ông gây ra bạo hành bị lên án mạnh mẽ, bị tấn công trên mạng. Ngược lại, khi đối tượng bị bạo hành là đàn ông, còn thủ phạm là phụ nữ, câu chuyện được nhìn với lăng kính hài hước và người đàn ông, nạn nhân của bạo hành trở thành đối tượng bị chế giễu. Có thế nhận thấy, một trong những quan niệm sai lầm về bình đẳng giới đang phổ biến hiện nay là sự bênh vực phụ nữ một cách bất chấp, cũng như quan niệm “đàn ông luôn sai”, chống lại đàn ông.

Quan niệm sai lầm trong bình đẳng giới còn thể hiện ở những định kiến về giới khi phần đông luôn mặc nhiên cho rằng, cánh đàn ông là “phái mạnh” và phụ nữ là “phái yếu”. Phái mạnh mặc định luôn phải đảm trách “việc lớn”, “việc nặng”, phái yếu thì ngược lại. Chính vì thế, khi đàn ông lựa chọn những công việc có tính chất “nữ tính” sẽ bị kì thị. Những người chồng “lui về hậu phương”, chăm sóc nhà cửa, con cái cho vợ phát triển sự nghiệp cũng thường nhận được sự xem thường, chế giễu của miệng đời.

Và nữa, xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhiều quan niệm cũ về giới tính đã bị lật đổ. Chúng ta giờ đây không còn chỉ có “hai giới” nữa. Thế nên, những khái niệm cũ đồng nhất bình đẳng giới với “nam nữ bình quyền” dường như đã lạc hậu đi nhiều, cần thêm những khái niệm mới, cách hiểu mới.

Bình đẳng giới không chỉ nên xoay quanh bình quyền nam nữ, mà là bình đẳng cho tất cả các giới. (Ảnh minh họa)

Bình đẳng giới không chỉ nên xoay quanh bình quyền nam nữ, mà là bình đẳng cho tất cả các giới. (Ảnh minh họa)

Hiểu rộng hơn về bình đẳng giới

Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gia đình”.

Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã phát triển mạnh mẽ, khái niệm về giới tính đang ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn nhiều trong quan niệm về bình đẳng giới. Khái niệm bình đẳng giới trong xã hội hiện nay không chỉ nên nói về sự giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng nam giới. Những quan niệm sai lầm quá đề cao đàn ông, hạ thấp phụ nữ hay ngược lại đều đem đến những bất công và hệ lụy xấu trong xã hội. Sự đề cao đàn ông quá mức cũng gián tiếp đặt một gánh nặng vô hình lên vai cánh đàn ông, khiến họ bị “gông xiềng” bởi sự đề cao mang đầy định kiến ấy. Sự đề cao quá mức phụ nữ thì dễ dàng gây nên những thái độ sống, hành vi thiên lệch, gây ra bất công trong xã hội.

Bình đẳng giới trong xã hội ngày nay cũng không chỉ nên xoay quanh bình quyền nam nữ, mà là bình đẳng cho tất cả các giới. Giờ đây, xã hội không chỉ có hai giới là nam và nữ mà còn có nhiều giới tính khác như đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới... Theo thời gian, quan niệm của xã hội đã dần dà thay đổi. Từ việc bị coi là bệnh hoạn, đối tượng bị ghẻ lạnh, xa lánh, giờ đây, tại nhiều nơi, các giới tính đã được thừa nhận. Những cuộc hôn nhân đồng giới đã được tiến hành trong sự chúc phúc của xã hội. Nhiều người thuộc những xu hướng tính dục khác đã đạt được những thành công đáng kể trong sự nghiệp, vươn tầm quốc tế. Trong số họ có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt... Sự đóng góp của họ dành cho xã hội không kém những giới tính khác.

Bình đẳng giới thực sự là cho phép họ được công khai và sống thực với giới tính của mình mà không hề bị phân biệt, kì thị, được bình đẳng mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; được hỗ trợ và tạo điều kiện để phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Bình đẳng giới thật sự cũng là tất cả các giới đều được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.

Xã hội chúng ta hiện nay, người người, nhà nhà nói nhiều về bình đẳng giới. Phụ nữ chiếm nhiều vai trò quan trọng hơn trong xã hội, nhận được sự đối xử công bằng hơn, trân trọng hơn. Nhiều ngày lễ lớn tôn vinh vai trò của nữ giới được tổ chức rầm rộ. Người đồng tính, dị tính xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đạt đươc những thành tựu nhất định.

Chính vì thế, nhiều người cho rằng, xã hội đã đạt được bình đẳng giới, có được sự bình quyền về giới tính. Thế nhưng, trên thực tế đó chỉ là bề nổi. Còn rất nhiều vấn đề ẩn đằng sau câu chuyện bình đẳng giới chưa giải quyết được. Còn nhiều định kiến sai lầm, chật hẹp về bình đẳng giới. Và ẩn sâu trong đời sống, còn nhiều bất công mà sự phân biệt về giới đã và đang gây ra, cản trở sự tiến bộ của xã hội.

Để thay đổi được điều này, ở phạm vi Việt Nam, cần có sự thay đổi các khái niệm ngay cả chính trong luật và những văn bản dưới luật. Cụ thể, cần có sự rà soát, bổ sung, ban hành đầy đủ các loại văn bản liên quan đến bình đẳng giới bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng; các văn bản luật và dưới luật; các loại quy chế, quy định, nội quy của cơ quan đơn vị; các quy định, hương ước của dòng họ, tổ, thôn, xóm; các quy định, nội quy của gia đình…

Đồng thời, cần thường xuyên nâng cao năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) về bình đẳng giới với khái niệm tiến bộ nhất cho cả nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong gia đình, cơ quan đơn vị và ngoài xã hội.

Bình đẳng giới thực sự đòi hỏi con người nhìn sâu qua lớp vỏ bên ngoài, thực sự thay đổi tư duy cũ kĩ, thực sự mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng để hướng đến một xã hội thực sự bình quyền, thực sự tiến bộ, văn minh, vì con người.

Đọc thêm