Thấy gì qua cuộc thi sáng tạo ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuối tuần qua, Cục Trẻ em phối hợp với Cục An toàn thông tin, Tổ chức ChildFun Việt Nam và Công ty Cổ phần Trực tuyến GOSU đã tổ chức Vòng chung kết – Lễ trao giải cuộc thi Sáng tạo ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trao giải Nhất cho tập thể GTEAM với bài thi “Thủ lĩnh tương lai”.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trao giải Nhất cho tập thể GTEAM với bài thi “Thủ lĩnh tương lai”.

Theo Ban Tổ chức, sau 3 tháng phát động cuộc thi đã ghi nhận 95 nghìn lượt tiếp cận qua các kênh chính thức; nhận được 40 bài dự thi của tác giả và nhóm tác giả với độ tuổi và vùng miền khác nhau trong cả nước. Sau khi bình chọn, tác giả nhỏ tuổi nhất được trao giải là thí sinh Phạm Tất Thành 8 tuổi với tác phẩm “Ý tưởng game bảo vệ trẻ em” cùng với các giải ba và giải khuyến khích khác.

Ngay tại Lễ trao giải, 3 thí sinh có số điểm cao nhất là Nguyễn Thị Hằng với tác phẩm “Trạng Nguyên tiếng Việt”; nhóm C4C với tác phẩm “Xứ sở mộng mơ - Cyberland”, nhóm CTEAM với tác phẩm “Thủ lĩnh tương lai” đã cùng như bước vào vòng thuyết trình, thuyết phục Ban Giám khảo để tranh giải Nhất và 2 giải Nhì.

Đại diện nhóm CTEAM đến từ TP HCM cho biết, tác phẩm “Thủ lĩnh tương lai” được thiết kế cho trẻ em từ 6 - 16 tuổi với mục tiêu hướng tới là đáp ứng yêu cầu game hóa trong giáo dục, thông qua đó xây dựng nhận thức về bảo vệ trẻ em. Điểm nổi bật của “Thủ lĩnh tương lai” là sức mạnh trong trò chơi là trí tuệ thay cho các biểu hiện khác trong những game thường thấy; năng lượng của người chơi cũng được giới hạn chỉ từ 1-2 giờ chơi/ngày để hạn chế trẻ quá mê đắm vào trò chơi mà quên học.

Tương tự, tác phẩm “Xứ sở mộng mơ – Cyberland” của nhóm C4C là cô gái Lê Thị Cẩm Vân và chàng trai Trần Ngọc Trường Sơn sinh viên năm cuối chuyên ngành Cảnh sát hình sự của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai. Điều thú vị là nội dung game của nhóm C4C có mục tư vấn và có thể nối thẳng tương tác đến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 cũng như lồng ghép nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em vào game.

Là một giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ em các cấp học, cô giáo Nguyễn Thị Hằng, tác giả của tác phẩm “Trạng Nguyên tiếng Việt” nhận thấy trẻ em hiện nay có hạn chế về mặt vốn từ khi muốn biểu đạt vấn đề mình quan tâm hay ý tưởng của mình. Chính vì thế, cô giáo Hằng đã xây dựng game dưới dạng ô chữ xoay quanh các chủ đề về bảo vệ trẻ em để từ đó người chơi không những được bổ sung vốn từ mà còn có kỹ năng bảo vệ mình.

Sau màn thuyết trình – trả lời câu hỏi từ Ban Giám khảo, tác phẩm “Thủ lĩnh tương lai” của nhóm GTEAM đã chiến thắng, được đánh giá là ý tưởng game có lối chơi đơn giản, hấp dẫn, gần gũi với trẻ em và có tính khả thi, khả năng cạnh tranh cao.

Điều có thể thấy qua cuộc thi là vấn đề bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Trong thời buổi công nghệ 4.0 này, việc cấm một đứa trẻ tiếp cận công nghệ hay chơi game dường như là điều không thể. Chi bằng người lớn tạo ra một sân chơi lành mạnh, thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo ý tưởng xây dựng trò chơi trực tuyến, qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên để phòng tránh xâm hại trẻ em và sử dụng công nghệ thông tin an toàn. Đồng thời, cũng giúp thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến và ngoại tuyến, góp phần tạo tiền đề cho các sản phẩm game “Made in Vietnam” để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

Hay nói như ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: “Chúng tôi hy vọng các trò chơi được phát triển từ cuộc thi sẽ được đông đảo trẻ em đón nhận, góp phần tạo ra kỹ năng số, “vaccine số” để các bậc cha mẹ, thầy cô cũng như trẻ em có kiến thức, kỹ năng bảo vệ học sinh, con em mình trong bối cảnh trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng”.

Được biết, tác phẩm đạt giải nhất sẽ được Công ty Cổ phần Trực tuyến GOSU hỗ trợ hoàn thiện và phát triển ý tưởng thành một sản phẩm game hoàn chỉnh, có thể đưa ra thị trường. Tác giả của ý tưởng sẽ được gắn tên và hưởng lợi từ việc phát hành sản phẩm.

Đọc thêm