Nhiều ngành “hot” giảm điểm chuẩn
Với nhiều phương thức xét tuyển vào các trường đại học, năm nay, không ít ngành đã giảm điểm chuẩn, đặc biệt ở các trường tốp đầu, không còn những ngành vượt quá 30 điểm. Một số ngành được nhiều thí sinh đăng ký tại các năm trước như Luật, Kinh tế, Ngôn ngữ… đều có mức điểm “dễ thở” hơn so với năm 2022.
Các trường đào tạo về kinh tế như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), có điểm chuẩn giảm nhẹ từ 0,5 - 1 điểm. Cụ thể, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), một số ngành “hot” như Logistics và Chuỗi cung ứng có điểm chuẩn là 27,40 điểm, giảm gần 1 điểm so với năm ngoái là 28,60 điểm. Ngành Thương mại điện tử đạt mức điểm là 27,65, giảm 0,45 điểm so với năm 2022 (28,01 điểm). Ngành Truyền thông marketing có điểm chuẩn cao nhất là 37,1 (nhân đôi điểm Tiếng Anh), cũng giảm 1,05 điểm so với năm trước (năm 2022 là 38,15).
Ngoài ra, cũng có những trường đại học, ngành nghề đào tạo có điểm chuẩn giảm sâu so với các năm trước. Như Trường Đại học Luật Hà Nội, điểm chuẩn đối với khối C00 của ngành Luật Kinh tế vào năm 2022 là 29,5, năm nay mức điểm là 27,36, hạ 2,14 điểm. Đối với ngành Luật tại Phân hiệu đào tạo Đắk Lắk, điểm chuẩn khối C00 giảm 6,35 điểm so với năm trước (từ 24,5 điểm xuống 18,15 điểm). Điểm chuẩn của nhóm ngành Ngôn ngữ vốn cao “đột biến” trong hai năm trở đây, nhưng đến năm 2023, có xu hướng giảm. Trường Đại học Đại Nam, ngành ngôn ngữ Trung Quốc có điểm chuẩn giảm đến 8 điểm. Năm 2022 ngành này có điểm chuẩn 23, năm nay giảm chỉ còn 15 điểm. Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc tại trường này cũng có điểm chuẩn giảm đến 7 điểm.
Kỳ tuyển sinh năm 2023 cũng cho thấy một số ngành tiếp tục “hạ nhiệt” dù từng có giai đoạn dài đạt mức điểm chuẩn cao “kịch trần” như Y Dược, Quân đội. Điểm chuẩn của Học viện Biên phòng khối C00, giảm từ 0,5 - 1 điểm. Ngành Biên phòng, đối với thí sinh nam ở miền Bắc giảm 1,76 điểm từ 28,75 điểm xuống 26,99 điểm. Còn điểm chuẩn dành cho thí sinh nam quân khu 4 (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) giảm 5,25 điểm, từ 28 điểm (năm 2022) xuống 22,75 điểm. Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất trong trường là Luật, đã giảm 1,03 điểm từ 28,25 xuống 27,47 điểm.
Tại các khối ngành có điểm chuẩn cao như Y Dược, trong ba năm trở lại đây đã liên tục giảm điểm chuẩn. Như Trường Đại học Dược Hà Nội, điểm chuẩn của ngành Dược học năm 2021 là 26,25, đến năm 2022 giảm xuống còn 26 điểm, năm 2023 là 25 điểm. Ngành Hóa Dược Trường Đại học Dược Hà Nội cũng giảm 1,6 điểm từ năm 2021 đến nay, cụ thể năm 2021 là 26,05 điểm, năm 2022 là 25,8 điểm, đến 2023 chỉ còn 24,9 điểm.
Điểm ngành Công nghệ thông tin, Sư phạm có xu hướng tăng
Trong khi nhiều trường có xu hướng giảm điểm chuẩn thì một số ngành lại có mức điểm cao “ngất ngưởng”. Như ngành Khoa học máy tính, phân hiệu IT1 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn 29,42. Số điểm gần chạm mốc 30 điểm này khiến cho hai thủ khoa khối A00 năm nay đăng ký vào ngành đã “trượt xuống” nguyện vọng 2 (cả hai thí sinh đồng điểm là 29,35). Lý giải về điều này, nhà trường cho biết, ngành ưu tiên điểm Toán nhân hệ số hai, nên với điểm 9,6 môn Toán, hai em đã không đủ điểm, vì có những thí sinh khác được 10 điểm Toán với tổng khối A00 xấp xỉ 29,35 điểm.
Ở hầu hết các trường đại học, nhóm ngành này đều có điểm chuẩn tương đối cao. Cụ thể, ở Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, dù điểm chuẩn đã hạ so với năm ngoái nhưng các ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin vẫn cao, ngành cao nhất là Công nghệ thông tin với mức điểm chuẩn 27,85, Khoa học máy tính là 27,25 điểm, thấp nhất là ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu với số điểm 26,9, như vậy, thí sinh cần ít nhất 9 điểm/môn để đỗ.
Ngay cả những trường tốp sau như Đại học Thủy lợi (Hà Nội), ngành Công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn là 25,89, hai ngành Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin đều có điểm chuẩn trên 24 điểm. Thấp nhất là ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu với mức điểm là 23,90. Như vậy, thí sinh cần đạt từ 8 điểm/môn trở lên mới có thể đỗ vào các ngành đào tạo về công nghệ thông tin của Đại học Thủy lợi.
Cùng với nhóm ngành Công nghệ thông tin, các nhóm ngành thuộc khối Sư phạm cũng có điểm chuẩn tương đối cao. Trong năm 2023, ngành Sư phạm Lịch sử ở 3 trường là Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, có điểm chuẩn lần lượt là 28,42, 28,58 và 28 điểm.
Điểm chuẩn ở một số trường đại học thuộc khối Sư phạm cũng tăng, như Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý tăng 7 điểm so với năm 2022, từ 19 lên 26 điểm. Ngành Giáo dục Chính trị tăng 6,5 điểm, từ 19 lên 25,5 điểm. Ngành Sư phạm Hóa học tăng 2,6 điểm, từ 22 lên 24,6 điểm, ngang ngửa với điểm chuẩn tại ngành Dược học ở Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế (24,7 điểm).
Nguyên nhân điểm chuẩn một số trường đại học thuộc khối Sư phạm năm nay tăng cao được cho là do chỉ tiêu tuyển sinh ít hơn năm trước ở một số ngành. Như PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Ngành Sư phạm Lịch sử lấy hơn 28 điểm do chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm”. Ông Sơn chia sẻ thêm, đã có 16 học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử đăng ký vào ngành này của Trường và đã nhập học trước theo diện xét tuyển thẳng.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế đánh giá, qua phân tích, nguyên nhân chính khiến có sự thay đổi theo hướng tăng mạnh về điểm chuẩn tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế là do năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của Trường chỉ còn 1.044 chỉ tiêu. So với năm 2022, con số này chỉ gần bằng 40% (2.700 chỉ tiêu). Lý do nữa là học sư phạm sẽ được áp dụng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, sinh viên khi theo học sư phạm sẽ được miễn học phí 100% và được hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.