Làm rõ những vướng mắc trong thể chế, pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, giám sát phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam, qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng như góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
“Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội”, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bối cảnh mới, nhiệm vụ đặt ra trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung hơn nữa vào công tác giám sát, phản biện xã hội và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm rõ những vướng mắc trong thể chế, các văn bản pháp luật cụ thể, chỉ ra từng bất cập trong quy định hiện hành nhằm giúp cho UBTVQH sớm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Ông Ngô Trung Thành nhấn mạnh, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giám sát, phản biện cần được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các khâu, nếu chỉ thực hiện giám sát, phản biện xã hội tại giai đoạn dự thảo thì khó đạt được hiệu quả cao. Vì vậy, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cần bao quát trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan của Quốc hội, giám sát đến cùng, phản biện đến cùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện NQLT số 403, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhận định, qua thực tiễn cho thấy, càng xuống cấp dưới, công tác giám sát, phản biện xã hội càng khó khăn, lúng túng, mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ thực tế trên, bà Thảo kiến nghị cần phát huy vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; phải lựa chọn đa dạng các hình thức giám sát, phản biện phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh Quang Vinh. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống MTTQ từ Trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, nhân dân. Thấy sai mà không dám nói thì cũng là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là biểu hiện tiêu cực.
“Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phải chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng xây dựng Luật gì, sửa đổi Luật nào, khoản nào? Nếu chúng ta chỉ kiến nghị chung chung thì không biết tiếp thu thế nào, kể cả có sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết liên tịch 403” - ông Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội cần có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận mới giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTVQH, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.
Báo cáo kết quả thực hiện NQLT số 403, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời.
Trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.